Xây dựng công thức gel nhũ tương dầu dừa (coconut oil) ứng dụng trong mỹ phẩm
Nghiên cứu này nhằm xây dựng công thức gel có cấu trúc nhũ tương (gel nhũ tương) chứa dầu dừa (coconut oil).
Dừa (Cocos nucifera) là một loài cây trong họ Cau, thân hình trụ, có thể cao tới 20 m. Cây dừa mọc và phát triển nhiều ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, xung quanh ao hồ, mương rạch, lạch sông. Ở nước ta có các giống dừa quý như dừa Dâu, dừa Xiêm, dừa Lửa, dừa lai Maoa. Theo tổ chức FAO, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có sản lượng dừa lớn nhất thế giới, trong đó Bến Tre là một trong những vùng trồng dừa nổi tiếng. Dầu dừa (coconut oil) là dầu thu được từ cùi của quả dừa. Nó được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, dược phẩm, và công nghiệp. Dầu dừa cung cấp nguồn nhiệt rất ổn định, do đó nó thích hợp trong các cách nấu ăn ở nhiệt độ cao như chiên hay rán. Do tính ổn định, nên nó ít bị ôxy hóa, và do hàm lượng chất béo no cao nên có thể cất giữ lâu (đến hơn 6 tháng) trong điều kiện bảo quản thường
Trong lĩnh vực làm đẹp, dầu dừa được coi là “mỹ phẩm số 1” của tự nhiên. Dầu dừa đem lại hiệu quả làm đẹp vượt trội trên da và tóc. Dầu dừa được chiết xuất đúng quy cách, đạt chất lượng tốt có thể giúp xử lý triệt để các vấn đề về. tóc: tóc hư tổn, chẻ ngọn, xơ xác, dễ gãy, xỉn màu, gàu, ngứa da đầu… Tương tự như vậy với các vấn đề về da: nhiễm trùng bề mặt da, da khô, nứt nẻ, mụn, nhăn, nám, rạn da, nấm da, chống vi khuẩn trên da.Trên thế giới gần đây xuất hiện nhiều sản phẩm mỹ phẩm từ dầu dừa được bào chế ở nhiều dạng khác nhau. Tuy vậy, ở Việt Nam với nguồn dầu dừa lớn từ các khu vực, đặc biệt vùng dừa Bến Tre vốn đã có thương hiệu nổi tiếng từ lâu, nhưng mỹ phẩm từ dầu dừa còn đơn giản, chủ yếu là dầu dừa nguyên chất. Vì vậy, đề tài này được thực hiện với mục đích đa dạng hóa các mỹ phẩm từ dầu dừa, tạo một dạng bào chế ổn định và có tính ứng dụng cao, tận dụng được nguồn dừa dồi dào của nước ta.
Nghiên cứu được tiến hành theo phương pháp như sau: tỷ lệ phối hợp của từng chất nhũ hóa và trong công thức gel nhũ tương được xác định dựa trên hệ số cân bằng dầu - nước yêu cầu (Required Hydophilic Lipophilic Balance - RHLB) của dầu dừa. Công thức gel nhũ tương được tối ưu hóa bằng phần mềm Design-Expert với 25 công thức thực nghiệm theo thiết kế IV-Optimal. Thiết kế này dựa trên các biến độc lập gồm: lượng dầu dừa, lượng Carbopol, lượng triethanolamin, lượng hỗn hợp chất nhũ hóa, lượng nước cất. Các biến phụ thuộc được khảo sát như pH, kích thước hạt trung bình, diện tích dàn mỏng, độ bền vật lý. Công thức tối ưu được kiểm chứng bằng thực nghiệm và khảo sát một số chỉ tiêu chất lượng. Kết quả cho thấy, giá trị RHLB của gel nhũ tương dầu dừa là 5,5, từ đó suy ra tỷ lệ phối hợp giữa 2 chất nhũ hóa (span 80:tween 80) là 89:11. Design-Expert đã chỉ ra công thức tối ưu có chỉ số mong muốn (desirability) cao (0,99) với tỷ lệ dầu dừa 5%, hỗn hợp chất nhũ hóa 4,5%, Carbopol 940 0,39%, triethanolamin 0,36%, lượng nước 81,59%.
Công thức gel nhũ tương dầu dừa tối ưu đã được thiết lập thành công bằng phần mềm Design-Expert phiên bản 8.0.6 với mô hình thực nghiệm IV-Optimal. Đồng thời, công thức tối ưu này đã đạt các tính chất đề ra và có thể được ứng dụng để tạo ra các sản phẩm mỹ phẩm có công dụng dưỡng da với sự kết hợp với các thành phần tử thiên nhiên như mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa… nhằm góp phần làm phong phú hóa, cải thiện chất lượng và hiệu quả cùng với các sản phẩm chăm sóc da khác trên thị trường.
Kết quả thực nghiệm kiểm chứng trên công thức tối ưu cho thấy không có sự sai khác với dự đoán của phần mềm. Như vậy, công thức gel nhũ tương dầu dừa được xây dựng là ổn định, có thể tạo ra sản phẩm kem hướng đến công dụng dưỡng da.
Theo tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam số 7B/2019