SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của mật độ trồng và phân bón đến khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây kim ngân (Lonicera japonica Thunb.) tại Thanh Trì - Hà Nội

[27/08/2019 16:27]

Nghiên cứu do hai tác giả Ninh Thị Phíp (Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Đỗ Thị Bé (Học viên cao học K24, Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện.

Cây kim ngân (Lonicera japonica Thunb) có mặt trong rất nhiều bài thuốc dân gian và y học cổ truyền, như: Ngân kiều tán, Ngũ vị tiêu độc ẩm, Tiên phương hoạt mệnh ẩm. Y học hiện đại cũng đã có nhiều nghiên cứu chứng minh các tác dụng của kim ngân trên mô hình in vitroin vivo như: tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa, kháng virus.

Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)

Tuy nhiên, để phát triển bền vững cây thuốc quý cần phải nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng. Đặc biệt các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất và chất lượng dược liệu, trong đó kỹ thuật sử dụng phân bón và mật độ trồng là rất quan trọng.

Hiện nay, các nghiên cứu tại Việt Nam chỉ mới tập trung chú trọng vào tác dụng chữa bệnh, công nghệ chế biến mà ít có công trình nào đánh giá ảnh hưởng của các biện pháp kỹ thuật đến sinh trưởng, phát triển và sinh khối thu được của cây kim ngân.

Cây kim ngân có thể sử dụng cả thân, lá, hoa để làm thuốc. Hoa kim ngân có hoạt chất cao hơn thân lá. Tuy nhiên, tỷ lệ hoa/thân lá rất thấp nên hiệu quả sản xuất chủ yếu dựa vào thân lá sẽ hạ được giá thành.

Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của mật độ trồng và liều lượng phân bón NPK đến khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng dược liệu của thân lá và hiệu quả kinh tế của cây kim ngân (Lonicera Japonica Thunb.) trồng tại Thanh Trì - Hà Nội. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu split plot, 3 lần nhắc lại, với mật độ (M1, M2, M3, M4) là nhân tố phụ và phân bón (P1, P2, P3) là nhân tố chính.

Kết quả cho thấy sinh trưởng, năng suất và chất lượng dược liệu của cây kim ngân chịu ảnh hưởng của mật độ trồng và liều lượng phân bón. Công thức phân bón P3 (20 tấn phân chuồng + 120 kg N/ha + 90 kg P2O5/ha + 120 kg K2O/ha) kết hợp với mật độ M2 (27.800 cây/ha (60×60 cm)) tạo điều kiện cho cây sinh trưởng, phát triển tốt và cân đối, tiềm năng năng suất cao, tuy nhiên hàm lượng loganin thấp (0,18%) không đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Trung Quốc. Công thức phân bón P1 (80 kg N/ha + 60 kg P2O5/ha + 80 kg K2O/ha) kết hợp với mật độ M2 (27.800 cây/ha (60 × 60 cm)) cho năng suất dược liệu thân lá khô khá cao (34,70 tạ/ha), chất lượng dược liệu tốt hơn (0,23% loganin) và năng suất hoạt chất loganin cũng đạt cao nhất là 7,98 kg/ha.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 6/2018
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ