SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đa dạng di truyền và khả năng kết hợp về năng suất, chất lượng của các dòng dưa thơm (Cucumis melo L.)

[27/08/2019 16:32]

Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Nguyễn Thị Nguyệt Anh, Phạm Quang Tuân, Nguyễn Trung Đức, Đoàn Thị Yến công tác tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Vũ Văn Liết công tác tại Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Dưa thơm (Cucumis melo L.) với bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội 2n=24 là một trong những loài quan trọng nhất trong họ bầu bí, được chia thành 7 biến chủng là dưa vàng (cantaloupensis), dưa lưới (reticulatous), dưa múi (inodorous), dưa lê quả dài (flexuosus), dưa bí (conomon), dưa lê chanh (chito) và dưa lê lựu (dudaim).

Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)

Ngày nay, dưa thơm được gieo trồng ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, sản xuất dưa thơm chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao do thiếu bộ giống tốt cho các vùng trồng. Các giống dưa trồng ở nước ta hiện nay chủ yếu là các giống dưa địa phương, năng suất không cao, thịt quả mọng và kích thước, mẫu mã không đẹp. Các giống nhập nội cho năng suất cao hơn nhưng giá hạt giống cao, dễ nhiễm sâu bệnh hại.

Nghiên cứu này nhằm đánh giá đa dạng di truyền của 30 dòng dưa thơm thuộc hai biến chủng khác nhau là Cantaloupensis (dòng D1 đến D22) và Reticulatus (dòng D23 đến D30). Các dòng dưa thơm được phát triển tại Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng (CRDI), Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bằng phương pháp tự thụ phấn từ các nguồn vật liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản và Israel. Thí nghiệm được tiến hành trong điều kiện nhà lưới có mái che trong vụ Xuân 2017 về 31 tính trạng nông sinh học để xác định các nhóm di truyền.

Kết quả cho thấy, ở mức độ tương đồng 0,32, các dòng dưa thơm được chia thành 6 nhóm di truyền khác biệt, biểu hiện mức độ đa dạng cao về các đặc điểm nông sinh học. Các thông tin về phân nhóm di truyền dựa trên kiểu hình có ý nghĩa trong việc lựa chọn dòng phục vụ cho công tác chọn tạo giống dưa năng suất và chất lượng cao. Thông qua đánh giá 6 dòng ưu tú D1, D2, D3, D7, D13 và D20 được chọn đưa vào mô hình lai diallel IV Griffing nhằm đánh giá khả năng kết hợp trong vụ Hè Thu 2017. Kết quả cho thấy 4 dòng D1, D3, D7, D20 có khả năng kết hợp về tính trạng năng suất và độ brix thịt quả. Đây sẽ là các vật liệu quan trọng được sử dụng trong các chương trình chọn tạo giống tiếp theo. Đồng thời, nghiên cứu chọn được 3 tổ hợp dưa thơm triển vọng có chất lượng tốt, năng suất cao hơn so với đối chứng, khả năng kết hợp riêng cao là THL2 (29,65 tấn/ha), THL6 (30,23 tấn/ha) và THL9 (33,17 tấn/ha).

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 6/2018
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ