Ảnh hưởng của mặn đến sinh trưởng, sinh lý và năng suất của đậu tương [Glycine max (L.) Merr.]
Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Vũ Ngọc Thắng, Trần Anh Tuấn, Lê Thị Tuyết Châm, Vũ Ngọc Lan, Phạm Văn Cường Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Gần 20% diện tích trồng trọt trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi mặn. Mặn là một trong những yếu tố phi sinh học quan trọng ảnh hưởng đến sinh trưởng, sinh lý và hạn chế năng suất cây trồng. Mặn ảnh hưởng đến hầu hết các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây đồng thời làm thay đổi hình thái cấu trúc của cây. Đặc biệt, nồng độ mặn cao làm trì hoãn quá trình nảy mầm, ảnh hưởng đến tỷ lệ mọc mầm, chiều dài rễ, chiều dài mầm. Mặn cũng ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển và năng suất của nhiều cây trồng như cây lạc, cây đậu tương, cây lúa… Bên cạnh đó, mặn còn ảnh hưởng đến sự cân bằng dinh dưỡng trong cây.
Những năm gần đây, đô thị hóa và sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp nước ta, đặc biệt là sự xâm nhiễm mặn. Để hạn chế ảnh hưởng của mặn tới sinh trưởng, phát triển và năng suất cây trồng, ngoài các biện pháp tưới tiêu hợp lý thì nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống cây trồng có khả năng chịu mặn cũng là định hướng cấp thiết của các nhà khoa học.
Thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của mặn đến nảy mầm, sinh trưởng, sinh lý và năng suất của hai giống đậu tương DT84 và ĐT26. Trong đó, dung dịch NaCl với 4 nồng độ (0, 50, 100 và 150 mM) được xử lý cho hạt ở thí nghiệm nảy mầm; ở thí nghiệm trồng chậu, dung dịch Hoagland chứa NaCl với 3 nồng độ (0, 50 và 100 mM) được xử lý cho cây từ tuần thứ 3 sau khi mọc mầm đến khi cây bước vào giai đoạn chín.
Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)
Kết quả cho thấy, tỷ lệ nảy mầm ở nồng độ NaCl 100 và 150 mM của giống DT84 chỉ còn 98,33% và 46,67%; ở giống ĐT26 chỉ còn 96,67% và 31,67%. Tăng nồng độ gây mặn đã làm giảm tỷ lệ nảy mầm, chiều dài, khối lượng của thân mầm và rễ mầm trên cả hai giống đậu tương. Ở nồng độ gây mặn cao (150 mM) đã ức chế sự phát triển của cây mầm trên cả hai giống đậu tương. Ở thí nghiệm trồng chậu, chiều cao cây, diện tích lá, chất khô, nốt sần, SPAD, tỷ số Fv/Fm, năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất tỷ lệ nghịch với nồng độ NaCl. Trong khi đó độ thiếu hụt bão hòa nước, độ rò rỉ ion tăng theo nồng độ NaCl. Năng suất cá thể của giống DT84 ở 50 và 100 mM NaCl bị giảm 32,4% và 61,9% so với đối chứng; sự suy giảm này ở giống ĐT26 là 39,5% và 68,9%. Đánh giá tính mẫn cảm mặn của hai giống bằng chỉ số mẫn cảm với mặn (SSI) cho thấy giống DT84 ít mẫn cảm với mặn hơn giống ĐT26 ở cả hai nồng độ 50 mM và 100 mM NaCl.
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 6/2018