Học hết lớp 7 nhưng lão nông sáng chế được cả máy tách vỏ lụa hạt bắp
Chiếc máy tách vỏ lụa hạt bắp của lão nông Thái Văn Âu, giúp đồng bào huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận tiết kiệm thời gian và công sức.
Ông Thái Văn Âu đứng bên chiếc máy do mình sáng chế; người ngồi là ông Chamalé Thơ mang bắp tới tách vỏ lụa.
Ồng Thái Văn Âu, một lão nông ở xã miền núi Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã tự sáng chế ra chiếc máy tách vỏ lụa hạt bắp, giúp đồng bào thiểu số ở đây tiết kiệm thời gian và công sức.
Ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, bắp là nguồn lương thực chính của đồng bào Raglai (Rắc lây). Với ông Thái Văn Âu, dù không phải sinh ra ở đây nhưng con người gốc xứ Nghệ này cũng đã gắn bó với bà con dân tộc tại đây hơn 30 năm.
Thấu hiểu được cuộc sống đồng bào luôn khó khăn, vất vả, phải thức khuya dậy sớm làm rẫy, rồi giã hạt bắp tách vỏi để nấu ăn. Từ đó, ông luôn nung nấu một ý tưởng quá của mình là sáng chế một chiếc máy tách vỏ lụa hạt bắp để giúp bà con.
Nghĩ và làm, ông đã tìm tòi sách báo đọc và tham khảo, rồi tự mày mò vẽ bản thiết kế ra giấy học trò, sau đó bắt tay vào làm từng bước một. Sau nhiều lần thất bại, năm 2015, chiếc máy tách bóc vỏ lụa hạt bắp của ông Âu hoạt động thành công, ứng dụng vào thực tế.
“Quá trình nghiên cứu lần đầu, thất bại mất 6 lần. Đến lần thứ 7 mới thành công. Làm ra cái máy rất gian nan. Vợ con thấy tốn kém cũng không nhất trí cho làm. Cũng may mắn, lần cuối cùng lại thành công, làm ra được sản phẩm này”, ông Thái Văn Âu cho biết.
Bắp sau khi đã được tách vỏ lụa, đồng bào sẽ dùng nấu ăn như kiểu hong xôi.
Chiếc máy chạy bằng điện thông qua motor điện truyền động các trục quay, gồm 10 bộ phận: khung máy, toa chứa bắp, thùng bóc tách, hộp truyền động, quạt gió, sàng đãi, trục lắc, puly truyền động, dao đánh vỏ lụa và động cơ ba pha.
Khi máy chạy, bắp đổ vào toa chứa rớt xuống thùng, được dao hình chữ S đánh vào bóc tách, sau khi qua bộ phận sàng sẽ cho ra một bên là mày cám và một bên là hạt bắp đã tách sạch vỏ. Với 10kg bắp, máy chạy trong vòng 5 phút là tách xong vỏ lụa. Trước đây, cũng với chừng đó bắp, một người giã bằng cối chày truyền thống Raglai phải mấy hơn 4 giờ ròng rã.
Ban đầu mọi người còn bỡ ngỡ với chiếc máy của ông nông dân mới học hết lớp 7. Nhưng sau đó thấy có hiệu quả thật sự nên hầu hết đồng bào ở xã Ma Nới đã bỏ giã bắp bằng cối, bằng chày, họ mang bắp tới nhà ông Âu nhờ tách vỏ lụa. Bà con trả cho ông 1.000 đồng/kg để tính lại tiền điện và hao mòn máy móc.
Từ ngày có chiếc máy này, đồng bào vùng cao Ma Nới không còn vất vả như trước. Bà con trong xã ai cũng khâm phục tinh thần sáng tạo của ông Thái Văn Âu.
Chiếc máy đoạt giải Nhất hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận lần thứ IV (2016-2017).
Ông Chamalé Thơ, người dân xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận cho biết, “Trước đây, đi làm rẫy, về phải lấy cối giã bắp, mệt. Bây giờ có máy rồi đỡ nhiều lắm. Mình lảy thành hột rồi đem qua đưa cho máy của ông Âu xay. Chỉ cần lấy mang về là nấu thôi. Đỡ khổ hơn, đỡ mệt hơn”.
Ông Kiều Thành Dàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ma Nới đánh giá đây là chiếc máy có công dụng thực tế, góp phần giải phóng sức lao động cho đồng bào ở địa phương.
“Chiếc máy này đã giúp cho nông dân ở Ma Nới, Ninh Sơn cũng như các huyện trong toàn tỉnh tiết kiệm được công sức để làm công việc khác. Chúng tôi rất mong muốn các cấp các ngành quan tâm hơn nữa tạo điều kiện cho nông dân Thái Văn Âu tiếp tục phát huy tính sáng tạo”, ông Dàng nói.
Với ứng dụng thiết thực, chiếc máy tách vỏ hạt bắp của ông Thái Văn Âu đã đoạt giải Nhất tại Hội thi Khoa học Kỹ thuật tỉnh Ninh Thuận lần thứ IV (2016-2017), giải khuyến khích Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc năm 2017. Mới đây, ông đã nộp đơn đăng ký bằng sáng chế với hy vọng mở rộng sản xuất, bán ra thị trường phục vụ bà con ở những địa phương khác đang có nhu cầu.