Lượng dinh dưỡng N, P, K cây lúa hấp thu trên đất phèn đồng bằng sông Cửu Long
Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Ngô Ngọc Hưng, Lê Văn Dang, Lâm Ngọc Phương công tác tại Khoa Nông nghiệp, Trường đại học Cần Thơ thực hiện.
Dinh dưỡng khoáng NPK là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Đạm giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động sinh học, thành phần của protein. Lân là nguồn năng lượng vận chuyển và bảo tồn vật chất, P cần thiết cho hình thành axit nucleic, thúc đẩy đẻ nhánh, trổ bông. Kali giúp tăng khả năng chống chịu của cây lúa trong điều kiện bất lợi, tăng cường khả năng tích lũy chất về hạt và nâng cao chất lượng gạo. Nguồn cung cấp dinh dưỡng NPK cho cây lúa chủyếu là từ đất, phân bón và thải thực vật để lại. Ngoài ra, nó còn được bổ sung thêm từ nước tưới, nước mưa và vi sinh vật có trong đất
Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)
Mục tiêu nghiên cứu nhằm: (i) xác định hàm lượng N, P, K có trong các bộ phận của cây lúa; (ii) nhu cầu N, P, K cần để sản xuất lúa ở vụ Đông Xuân và Hè Thu trên đất phèn ở đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL). Mô hình trình diễn 1.000m2 được thực hiện trên đất phèn trong vụ Hè Thu 2015 và Đông Xuân 2015-2016 ở 5 địa điểm khác nhau ở ĐBSCL, bao gồm Phụng Hiệp - tỉnh Hậu Giang, Hòn Đất - tỉnh Kiên Giang, Hồng Dân - tỉnh Bạc Liêu, Long Mỹ - tỉnh Hậu Giang, Tháp Mười - tỉnh Đồng Tháp. Ở mỗi địa điểm, 03 ruộng của nông dân có cùng loại đất được chọn để thực hiện thí nghiệm. Kết quả thí nghiệm cho thấy hàm lượng N, P và K trung bình của hạt lúa là 1,08% N, 0,44% P2O5, 0,33% K2O và trong rơm là 0,62% N, 0,27% P2O5, 1,67% K2O. Lượng dưỡng chất N, P, K có trong 1 tấn hạt lúa là 10,8 kg N -4,4 kg P2O5 -3,3 kg K2O. Để sản xuất ra 1 tấn hạt, trung bình cây lúa sẽ tiêu thụ 17 kg N -7 kg P2O5 và 20 kg K2O. Trong trường hợp rơm được trả lại đất sau khi thu hoạch, với năng suất lúa ở vụ Hè Thu là 5,0 tấn/ha thì tổng lượng N, P, K lấy đi là 54 kg N -22 kg P2O5-16,5 kg K2O. Với năng suất lúa vụ Đông Xuân đạt 7 tấn/ha thì lượng NPK lấy đi là 75,6 kg N -30,8 kg P2O5-23,1 kg K2O.
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2019, 17(3): 187-195