Ảnh hưởng của ngập úng ở các giai đoạn sinh trưởng đến một số chỉ tiêu sinh lý và năng suất cá thể cây đậu xanh
Đậu xanh(Vigna radiata(L.) Wilczek) là cây trồng phổ biến và quan trọng ở châu Á vì hàm lượng protein cao, cũng như khả năng cố định N2 của vi khuẩn nốt sần(Rhizobium)để cung cấp nguồn đạm sinh học quan trọng cho cây và cải thiện độ màu mỡ của đất.
Trong những năm gần đây, đô thị hóa và sự biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những tác động xấu cho ngành nông nghiệp. Sự nóng lên của trái đất làm mực nước biển dâng cao, mưa kéo dài hoặc mưa lớn gây gập lụt diện rộng. Ngập úng là một trong những yếu tố phi sinh học ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển và làm giảm năng suất cây trồng. Ngập úng làm giảm nồng độ oxy xung quanh vùng rễ của cây, hạn chế hoạt động của nốt sần và khả năng cố định đạm.
Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)
Thí nghiệm của tác giả Vũ Tiến Bình được tiến hành trong vụ xuân hè và vụ hè 2018 tại nhà lưới có mái che nhằm xác định ảnh hưởng của ngập úng ở các giai đoạn sinh trưởng (sau nảy mầm 3 ngày, 2-3 lá, 5-6 lá và ra hoa) đến một số chỉ tiêu sinh lý và năng suất cá thể cây đậu xanh giống ĐXVN5. Mỗi giai đoạn sinh trưởng cây đậu xanh bố trí 2 công thức thí nghiệm: không ngập úng (đối chứng) và ngập úng. Các công thức ngập úng duy trì mức ngập 3 cm trong 1 tuần. Kết quả nghiên cứu cho thấy ngập úng làm giảm đáng kể chiều cao, số lá, hàm lượng nước tương đối trong lá, chiều dài rễ và khối lượng rễ khô, chỉ số hàm lượng diệp lục (SPAD), khả năng tích lũy chất khô và năng suất cá thể trong cả 2 vụ. Cây ở giai đoạn 5-6 lá có khả năng sinh trưởng và chịu úng tốt hơn trong điều kiện ngập úng. Ngập úng ở giai đoạn ra hoa bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cho năng suất cá thể thấp nhất.
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2019, 17(3): 178-186