Nghiên cứu quá trình rấm chín quả sầu riêng Ri6 bằng tác động của khí Ethylen ngoại sinh
Nghiên cứu ảnh hưởng các nguồn ethylene đến quá trình rấm chín sầu riêng Ri 6 được nhóm tác giả Dương Thị Cẩm Nhung và Nguyễn Văn Phong (Viện Cây ăn quả Miền Nam) thực hiện nhằm tìm ra phương pháp rấm chín hiệu quả.
Ảnh: Internet
Sầu riêng (Durio zibethinus Murray) là loại trái cógiá trị dinh dưỡng cao và được mệnh danh là “vua của các loại trái cây” (Baldry et al., 1972; Nafsi, 2007). Ở Việt Nam sầu riêng là một trong những loại cây ăn quả đặc sản được trồng tập trung chủ yếu ở miền Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Tây Nguyên. Đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đáng kể trong việc cải thiện và nâng cao thu nhập cho nhà vườn. Sầu riêng có đỉnh hô hấp đột phát (Tira-Daengkanit, 1995) là quả chín tiếp giai đoạn sau thu hoạch vì thế trong canh tác sầu riêng, người trồng thường gặp khó khăn trong vấn đề thu hoạch khi chín quả sẽ rụng rải rác, không đồng loạt,... dẫn đến số lượng cung ứng không đủ tiêu thụ. Để khắc phục hiện tượng trên, Hiệp hội chế biến và sử dụng cây ăn quả Phiplippin đã khuyến cáo người dân thu hoạch quả vào giai đoạn chín sinh lý, sau đó sử dụng các tác nhân gây chín nhân tạo (có nguồn gốc từ khí ethylene) để xử lý quả chín đồng loạt. Có rất nhiều phương pháp được áp dụng làm rấm chín sầu riêng như sử dụng CaC2 (đất đèn), ethephon hay ethylen từ máy phát... (Ofelia and Elda, 1990); kết quả sau khi rấm chín phải đảm bảo chất lượng vừa an toàn và hiệu quả kinh tế. Thực trạng hiện nay các thương lái và nhà vườn sử dụng những loại hóa chất không rõ nguồn gốc thúc chín sầu riêng gây nên tâm lý lo ngại về sức khỏe của người tiêu dùng, vì thế làm giảm giá trị kinh tế loại trái cây đặc sản này. Xuất phát từ thực trạng trên cần có một khảo sát “Đánh giá hiệu quả các hình thức xử lý rấm chín khác nhau đến chất lượng quả sầu riêng Ri-6”nhằm tìm ra phương pháp rấm chín sầu riêng an toàn hiệu quả và có chất lượng đồng đều đáp ứng nhu cầu trong nước, hướng đến xuất khẩu và giảm thất thoát sau thu hoạch cho quả sầu riêng.
Vật liệu nhóm tác giả sử dụng cho nghiên cứu gồm sầu riêng Ri 6 được thu hoạch giai đoạn 95 - 100 ngày sau nở hoa (Dương Thị Cẩm Nhung, 2016) từ các nông hộ trồng sầu riêng thuộc xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Mẫu có khối lượng đồng nhất từ 2,5 - 3 kg, quả đồng đều không bị sâu bệnh và khuyết tật. Thiết bị, dụng cụ sử dụng gồm máy đo màu KONICA MINOLTA -CR 400 (Nhật), Máy đo thành phần không khí Dasensor (Đan Mạch), Máy sắc ký khí CP 3380 Varian, Máy đo cấu trúc quả GUSS-15- Đức, Dụng cụ đo độ Brix kỹ thuật số ATAGO (Nhật), thang độ: 0 - 53%, Máy phát ethylen (Đài Loan). Hóa chất sử dụng gồm Ethephon 48% w/v (Thái Lan), Ethylene chuẩn nồng độ 10 ppm (Singapore) và các hóa chất phân tích khác.
Qua nghiên cứu, nhóm tác giả khẳng định sầu riêng Ri 6 được rấm chín theo phương pháp mới bằng cách xông khí ethylene tạo ra từ quá trình kiềm hóa ethephon hoặc từ máy phát khí ethylen cùng nồng độ 200 ppm với thời gian 24 giờ nhiệt độ môi trường 28 - 29°C có hiệu quả rút ngắn thời gian chín xuống còn 2 ngày. Quả khi chín có tỷ lệ ăn được 31 - 35%, giá trị cảm quan cao (7 - 8 điểm), hàm lượng tổng chất rắn hòa tan 31 - 32 °Brix và các thành phần sinh hóa khác đạt giá trị tối ưu. Qua đó nhóm tác giả đề nghị áp dụng phương pháp xông khí ethylene rấm chín sầu riêng để tạo quả chín đồng loạt dùng cho sản phẩm chế biến giảm thiểu, sản phẩm sầu riêng khác thay thế phương pháp rấm chín theo kiểu truyền thống. Để thương mại quá thì cần mở rộng khảo sát ở quy mô thực nghiệm với số mẫu lớn hơn.
Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam số 02/2018