SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu ảnh hưởng của phân đạm URÊ và mật độ cấy đến sinh trưởng và phát triển của giống lúa chịu ngập SHPT3

[06/09/2019 15:25]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Đào Văn Khởi, Hà Quang Dũng (Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia), Lê Hùng Lĩnh và Chu Đức Hà (iện Di truyền Nông nghiệp - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam Viện Di truyền Nông nghiệp - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Ảnh: Internet

Lúa (Oryza sativa)là cây lương thực trọng điểm của Việt Nam. Rất nhiều chiến lược phát triển cây lúa bền vững đã được đề xuất và thực hiện nhằm giữ ổn định tình hình an ninh lương thực quốc gia và phát triển kinh tế của đất nước (Trần Văn Đạt, 2005). Tuy nhiên, một trong những thách thức của ngành sản xuất lúa gạo là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng (Nishiuchi et al., 2012). Để giải đáp bài toán này, một trong những giống lúa thích ứng với khả năng chịu ngập tốt là SHPT3 (Đào Văn Khởi và ctv., 2016). Đây là giống lúa được chọn tạo bằng chỉ thị phân tử, có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với cơ cấu vụ Xuân muộn, Mùa sớm hoặc Hè thu và cho năng suất cao (6,5 - 7,5 tấn/ha). Một số đặc điểm nông sinh học tốt của giống được đánh giá là cây cao trung bình, chống đổ, chịu lạnh tốt và đặc biệt có khả năng chịu ngập tốt. SHPT3 nhiễm nhẹ một số loại bệnh như bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá và đốm nâu (Lê Hùng Lĩnh và ctv., 2017). Nghiên cứu này đã được tiến hành nhằm đánh giá toàn bộ tiềm năng năng suất của giống SHPT3. Ảnh hưởng của lượng phân đạm urê và mật độ cấy đến khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất của giống SHPT3 được khảo sát và phân tích. Kết quả của nghiên cứu này nhằm cung cấp những dữ liệu quan trọng trong việc phát triển giống lúa chịu ngập SHPT3 tại khu vực đồng bằng sông Hồng.

Nghiên cứu được tiến hành vào vụ Xuân (ngày gieo 18/1/2017) và vụ Mùa (ngày gieo 23/6/2017) tại trạm Khảo kiểm nghiệm Giống, sản phẩm cây trồng Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Vật liệu được sử dụng trong nghiên cứu là giống lúa SHPT3 do bộ môn Sinh học phân tử - Viện Di truyền Nông nghiệp cung cấp, Đạm Urê, Supe lân, Kali clorua.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Giống SHPT3 có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt. TGST của giống thuộc nhóm ngắn ngày, phù hợp với cơ cấu Xuân muộn - Mùa sớm tại các tỉnh phía Bắc. Giống SHPT3 có các yếu tố cấu thành năng suất khá và thuộc dạng hình thâm canh cao. Năng suất thực thu của giống SHPT3 trong vụ Xuân và vụ Mùa lần lượt đạt cao nhất 75,3 tạ/ha; 70,8 tạ/ha tại công thức P2M2. Khi tăng mức phân bón và mật độ cấy mức độ nhiễm sâu bệnh hại của giống SHPT3 có chiều hướng nhiễm sâu bệnh hại nặng hơn. Qua đó, nhóm tác giả đề xuất cần khuyến cáo lượng phân thích hợp khi đưa giống SHPT3 ra ngoài sản xuất đại trà.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam số 02/2018
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ