SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Học sinh miền núi Ninh Thuận sáng chế phần mềm học tiếng Raglai trên điện thoại

[16/09/2019 10:53]

Xuất phát từ nhu cầu tự học và bảo tồn tiếng dân tộc Raglai, hai học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pinăng Tắc, huyện miền núi Bác Ái (tỉnh Ninh Thuận) là Mai Vĩ Hào (học lớp 12A1) và Pinăng Bảo (học lớp 12A2) đã tìm hiểu, sáng chế thành công phần mềm tự học tiếng dân tộc Raglai trên điện thoại thông minh với nhiều tính năng hữu ích.

Mai Vĩ Hào và Pinăng Bảo ghi âm tiếng Raglai để đưa vào phần mềm ứng dụng học tiếng Raglai trên điện thoại thông minh.

Đề tài của hai em đã đoạt giải Ba Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên – nhi đồng tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII năm 2019”.

Chia sẻ về ý tưởng sáng chế ứng dụng, em Pinăng Bảo cho biết: “Trường của em là trường dân tộc nội trú, đa số các bạn học sinh là người dân tộc Raglai. Ở trường và khi đi chơi với bạn bè, em nói tiếng Raglai nhiều bạn không hiểu. Xuất phát từ nhu cầu trao đổi, bảo tồn tiếng dân tộc của mình, em cùng với bạn Hào tìm hiểu, xây dựng phần mềm học tiếng Raglai trên điện thoại thông minh để tạo thuận lợi cho việc học tiếng Raglai ở mọi lúc mọi nơi, dành cho tất cả mọi người có nhu cầu".

Từ tháng 2/2019, các em bắt đầu thiết kế ứng dụng. Mai Vĩ Hào cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các em là sử dụng ngôn ngữ lập trình và nhập liệu. Để mã hóa tất cả các dữ liệu ngôn ngữ Raglai thông dụng thành một ứng dụng chạy trên nền tảng hệ điều hành Android trên điện thoại thông minh, các em nghiên cứu, thu thập tiếng Raglai rồi hệ thống lại trên phần mềm Microsoft Word. Sau đó, đọc ghi âm lại để xây dựng dữ liệu rồi sử dụng ngôn ngữ lập trình Java viết Code mã hóa ngôn ngữ thành các lớp theo chủ đề tiếng Raglai liên kết với nhau.

Nhiều từ ngữ Raglai cổ, phương ngữ địa phương được bà con dân tộc Raglai sử dụng với nhiều tầng nghĩa khác nhau. Trong quá trình xây dựng ứng dụng, các em phải tham khảo tài liệu, chuyên gia ngôn ngữ tiếng Raglai, hỏi ông bà cha mẹ, người lớn tuổi trong làng giải thích cặn kẽ để nắm chắc ý nghĩa của từ đó mới đưa vào phần mềm. Sau 3 tháng miệt mài nghiên cứu, các em đã hoàn thành xong phần mềm ứng dụng học tiếng Raglai trên điện thoại.

Ứng dụng học tiếng Raglai được tạo với 15 textbox có giao diện thân thiện, dễ sử dụng gồm các phần: Màn hình giao diện, từ điển, cách đọc, câu, màu, từ nhân xưng, món ăn gia vị, con vật, số đếm, cơ thể người, thời gian, dụng cụ nhà bếp, thực vật, gia đình, trường lớp. Phần mục từ điển, khi nhập từ cần tra thuật toán phân tích sẽ tìm kiếm và hiện ra các từ, chữ có các âm đầu giống nhau với hai song ngữ Raglai – Việt. Mỗi từ có quy ước đọc âm đầu, phiên âm, dịch nghĩa và phần phát âm mẫu.

Phần mềm học tiếng Raglai trên điện thoại thông minh.

Thầy giáo Bùi Hữu Pha, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pinăng Tắc cho hay, hai em đã vận dụng tốt các kiến thức được học trên lớp, kết hợp nghiên cứu qua tài liệu và sách báo, mạng internet để tạo ứng dụng tự học tiếng dân tộc Raglai trên điện thoại thông minh rất hữu ích. Trong quá trình thực hiện, hai em có nhiều cách làm rất sáng tạo, mỗi khi gặp khó khăn các em không nản chí mà kiên trì tìm cách vượt qua.

Đồng bào dân tộc Raglai có những trường ca, truyện thần thoại, cổ tích có giá trị lịch sử, nghệ thuật và mang tính giáo dục sâu sắc, tuy nhiên phần lớn chỉ được lưu giữ bằng hình thức truyền miệng. Hiện nay có rất ít người Raglai biết đọc, biết viết tiếng dân tộc của mình. Ứng dụng tự học tiếng Raglai trên điện thoại thông minh giúp học sinh dễ dàng học, tra cứu tiếng Raglai. Đồng thời, ứng dụng cũng giúp cán bộ, giáo viên lên địa bàn công tác biết được tiếng nói, chữ viết của đồng bào để có thể giao tiếp, hiểu biết hơn về văn hóa, phong tục tập quán, từ đó phục vụ tốt cho hoạt động chuyên môn.

Mai Vĩ Hào và Pinăng Bảo chia sẻ, phần thưởng lớn nhất đối với hai em là những kinh nghiệm các em rút ra từ quá trình nghiên cứu, sáng tạo thành công phần mềm ứng dụng nhằm góp phần bảo tồn tiếng Raglai. Các em sẽ cố gắng thu thập nhiều từ ngữ hơn nữa để bổ sung cho phần mềm, cải thiện giao diện, đồng thời tải lên CH Play (kho ứng dụng hệ điều hành Adroid) để mọi người tải ứng dụng về sử dụng dễ dàng hơn.

www.congthuong.vn (tnttrang)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ