Ảnh hưởng của mật độ nuôi và hàm lượng protein trong thức ăn lên tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của cá ngạnh sông (Cranoglanis henrici Vaillant, 1893) nuôi trong bể composit
Nghiên cứu do các tác giả Kim Văn Vạn, Đoàn Thị Nhinh và Nguyễn Thị Thúy Hằng thuộc Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Cá ngạnh sông (Cranoglanis henrici Vaillant, 1893) là loài thuộc bộ cá nheo (Siluriformes), họ cá ngạnh (Cranoglanididae). Trên thế giới, cá ngạnh sông có phân bố ở Trung Quốc đặc biệt ở các khu vực phía Nam thuộc đảo Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam. Ở Việt Nam, cá ngạnh sông thường bắt gặp ở tất cả các hệ thống sông từ miền Bắc (sông Hồng, sông Mã, sông Lam) đến Nam Trung bộ. Giới hạn thấp nhất về phía Nam có sự xuất hiện của cá ngạnh là sông Trà Khúc - Quãng Ngãi.
Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)
Cá ngạnh phân bố ở những nơi nước chảy vừa hoặc chậm, đáy nhiều bùn cát và thường sống thành từng đàn. Cá ngạnh là loài có kích thước trung bình, con lớn nhất đã bắt gặp nặng 4 kg, tốc độ lớn theo năm chậm, năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng bằng 31,4% năm đầu, còn các năm sau chỉ bằng 19-23%.
Thịt cá ngạnh là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, mềm, không có xương dăm, thơm ngon và có giá trị kinh tế cao. Thành phần thịt cá chiếm 69,92% tổng khối lượng cơ thể; hàm lượng protein, chất béo và khoáng tương ứng là 17,89%, 5,2% và 1,1,%. Trong cơ thịt chứa 17 loại amino acid với tỷ lệ đạt 79,18% (ngoại trừ tryptophan), trong số đó các amino acid thiết yếu chiếm 33,04%.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của mật độ và hàm lượng protein trong thức ăn lên quá trình tăng trưởng, tỷ lệ sống và hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) của cá ngạnh sông (Cranoglanis henrici). Cá nuôi thí nghiệm có kích cỡ trung bình tương ứng 16,79±0,92 g/con và 39,91±0,75 g/con được đưa vào 2 thí nghiệm riêng biệt với 3 ngưỡng mật độ 30, 45 và 60 con/m3 và 3 mức hàm lượng protein thô (CP) trong thức ăn là 30, 35 và 40%. Các thí nghiệm sử dụng hệ thống bể composit dung tích 8 m3 với 3 lần lặp, thời gian ương nuôi là 60 ngày.
Kết quả cho thấy, giá trị FCR cao hơn có ý nghĩa thống kê đã ghi nhận được trong các lô thí nghiệm với mật độ 60 con/m3 (2,96) so với ở mật độ 45 con/m3 (2,81) và 30 con/m3 (2,68); tuy nhiên các chỉ tiêu tăng trưởng không thể hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (P>0,05), khối lượng cá đạt khoảng 33,04-34,55 g/con khi kết thúc thí nghiệm và tỷ lệ sống đạt trên 88%. Tốc độ tăng trưởng của cá khi ương bằng thức ăn có độ đạm 35% (0,52 g/con/ngày) và 40% (0,53 g/con/ngày) tương đương nhau và cao hơn có ý nghĩa thống kê (P<0,05) so với khi ương bằng thức ăn có độ đạm 30% (0,35 g/con/ngày), tỷ lệ sống đạt trên 94% ở tất cả các lô thí nghiệm.
Như vậy, khi nuôi cá ngạnh sông trong bể, có thể thả mật độ trong khoảng 45-60 con/m3 và thức ăn có hàm lượng protein từ 35% đến 40% để đạt được tốc độ tăng trưởng và giá trị FCR tối ưu.
Theo TC Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, số 9/2018