Phân tích chuỗi giá trị cá ngừ vằn tại các tỉnh ven biển miền Trung
Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Cao Lệ Quyên, Nguyễn Tiến Hưng, Trịnh Quang Tú, Phan Phương Thanh và Cao Tất Đạt thuộc Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản (VIFEP) thực hiện.
Vùng biển miền Trung Việt Nam có nguồn lợi cá ngừ vằn (cá ngừ sọc dưa) phong phú với trữ lượng ước tính trong khoảng 406.000-422.000 tấn và khả năng khai thác cho phép từ 165.500-177.200 tấn/năm. Vì vậy, lĩnh vực khai thác, chế biến và thương mại cá ngừ vằn phát triển trong thời gian qua đã tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động tại các làng cá ven biển miền Trung, đóng góp đáng kể vào gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo của Tổ quốc.
Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)
Tuy nhiên, phát triển ngành hàng cá ngừ nói chung và cá ngừ vằn nói riêng trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, từ phương thức tổ chức khai thác, thu mua, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết ngư dân còn khai thác nhỏ lẻ, phân tán, vì vậy việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy nguồn gốc còn khó khăn, đặc biệt chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ và chia sẻ lợi ích hợp lý giữa cơ sở thu mua (thương lái, doanh nghiệp chế biến với ngư dân). Hiệu quả kinh tế của chuỗi thấp, thiếu tính bền vững, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế chưa cao và sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng còn chiếm tỷ trọng thấp.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích hiệu quả kinh tế chuỗi giá trị cá ngừ vằn (Katsuwonus pelamis) và đề xuất các giải pháp nâng cấp chuỗi. Dữ liệu phục vụ cho phân tích được thu thập thông qua phỏng vấn 175 tác nhân tham gia chuỗi giá trị cá ngừ vằn năm 2017. Phân tích kinh tế chuỗi cho thấy tỷ lệ phân bổ lợi nhuận tính trên 1 kg và trên tổng khối lượng nguyên liệu cá ngừ vằn (khoảng 83.000 tấn/năm) giữa các nhóm tác nhân chuỗi tương ứng: 63,4 và 74,2% cho ngư dân; 4,9 và 5,6% cho cơ sở thu mua và 31,1 và 20,18% cho doanh nghiệp chế biến. Tuy nhiên, nếu tính trên một đơn vị tác nhân tham gia chuỗi, mức phân bổ lợi nhuận bình quân cho mỗi tác nhân ngư dân lại chiếm tỷ trọng rất thấp do nhóm tác nhân này chủ yếu tổ chức sản xuất ở quy mô nhỏ, hộ gia đình (khoảng 2.000 ngư hộ) dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, thiếu hoặc hạn chế về khả năng liên kết với các tác nhân khác trong toàn chuỗi.
Trong chuỗi giá trị cá ngừ vằn tại các tỉnh ven biển miền Trung, ngư dân vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ, lẻ, phân tán với số lượng khoảng 2.000 ngư hộ và ít tham gia liên kết chuỗi (95% không tham gia các liên kết ngang và dọc theo chuỗi), phần lớn vốn lưu động và vật tư đầu vào cho sản xuất của ngư dân là phụ thuộc vào tác nhân trung gian. Chi phí sản xuất cao, tỷ lệ hao hụt lớn, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều dẫn đến lợi nhuận mà từng ngư dân/chủ tàu được hưởng còn thấp, chưa khuyến khích được họ đầu tư sâu vào công nghệ đánh bắt và bảo quản sản phẩm. Việc tổ chức lại sản xuất trong khâu khai thác cá ngừ vằn, giảm sự phân tán, nhỏ lẻ, thực hiện khai thác có trách nhiệm (xã hội-môi trường) và truy nguồn gốc là cần thiết ở khâu đầu của chuỗi giá trị. Các giải pháp liên quan đến nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh liên kết chuỗi, phát triển thị trường tiêu thụ và các chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi về tín dụng, bảo hiểm, chia sẻ rủi ro cũng cần được xem xét và đưa vào thực tiễn, nhằm tạo tiền đề cho việc nâng cấp toàn bộ chuỗi giá trị cá ngừ vằn theo hướng hiệu quả và bền vững.
Theo TC Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, số 9/2018