Hiện trạng và giải pháp phát triển nghề nuôi ngao ven biển tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình
Nghiên cứu do tác giả Bùi Đắc Thuyết thuộc trường Trường đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện từ tháng 01 đến tháng 6 năm 2018.
Trong những năm qua, nghề nuôi ngao ven biển ở Thái Bình có những bước phát triển mạnh mẽ và luôn dẫn đầu các tỉnh phía Bắc nước ta về diện tích cũng như sản lượng ngao nuôi hàng năm. Trong hoạt động nuôi ngao ven biển tại Thái Bình, xã Nam Thịnh, huyên Tiền Hải có nghề nuôi ngao phát triển lâu đời, diện tích nuôi hiện tại chiếm khoảng hơn 1/3 tổng diện tích nuôi của toàn tỉnh. Tổng giá trị thu được từ ương, nuôi ngao năm 2017 của xã đạt hơn 220 tỷ đồng, chiếm khoảng 42% tổng giá trị sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã.
Tuy nhiên, nghề nuôi ngao ven biển nước ta gặp phải những khó khăn trong vài năm gần đây như ngao nuôi bị chết hàng loạt, thiếu vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ không ổn định… Nhiều hộ nuôi gặp khó khăn về vốn để tái đầu tư sau nhiều lần nuôi bị thất bại. Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, các hộ nuôi ngao tại xã Nam Thịnh có thể gặp phải những khó khăn, làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của địa phương cũng như tỉnh Thái Bình.
Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)
Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiện trạng nghề nuôi ngao ven biển tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình làm cơ sở đề xuất giải pháp phát triển nghề nuôi ngao ở đây. Cùng với việc thu thập các số liệu thứ cấp, các số liệu sơ cấp về hoạt động nuôi ngao tại xã Nam Thịnh cũng được thu thập thông qua phỏng vấn người nuôi bằng bộ phiếu câu hỏi chuẩn bị sẵn.
Kết quả điều tra cho thấy, diện tích ương, nuôi ngao toàn xã ổn định ở mức 1.152 ha từ năm 2014 đến nay, tuy nhiên diện tích ương và sản lượng ngao giống có xu hướng tăng lên (đạt 576 ha, 4.250 tấn năm 2017) trong khi diện tích và sản lượng ngao thương phẩm giảm (576 ha, 13.200 tấn năm 2017). Giá trị sản xuất từ ương, nuôi ngao năm 2017 đạt hơn 220 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã.
Dựa trên ma trận về những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức (SWOT) của nghề nuôi ngao ở đây, một số giải pháp phát triển nghề nuôi ngao tại Nam Thịnh được đề xuất như: hoàn thiện quy hoạch, phân vùng nuôi ngao; đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng; có chính sách hỗ trợ người dân trong vay vốn đầu tư; nâng cao trình độ kỹ thuật ương, nuôi ngao và ứng phó với thiên tai thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm; tăng cường, phối hợp trong kiểm soát chất lượng nguồn giống, môi trường, dịch bệnh và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ ngao.
Theo TC Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, số 10/2018