Sự biến đổi hàm lượng tanin, polyphenol và khả năng kháng oxy hóa của dịch ép quả điều ở các giai đoạn chín
Nghiên cứu do các tác giả gồm có Nguyễn Văn Khoa, Võ Thị Thu Giang, Trần Bội An, Phùng Văn Trung, Đặng Hồng Chuyên (Viện Công nghệ Hóa học, VAST) và Nguyễn Văn Giang (Hội Nông dân tỉnh Bình Phước)thực hiện.
Cây điều (đào lộn hột) có tên khoa học Anacardium occidentale, là cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt ở những quốc gia thuộc khu vực cận xích đạo, nơi có nhiệt độ và độ ẩm cao. Tại Việt Nam cây điều được trồng nhiều tại vùng Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Các địa phương có diện tích trồng điều lớn như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Thuận. Việt Nam đã vươn lên là nước xuất khẩu điều đứng đầu thế giới, ước tính năm 2017 lần đầu tiên tổng sản lượng xuất khẩu đạt hơn 360 nghìn tấn hạt điều và giá trị đạt hơn 3 tỷ đô la.
Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)
Quả điều khi thu hoạch gồm hạt điều và cuống điều (gay còn gọi là quả điều giả, trong dân gian gọi là quả điều). Để thu hoạch được một tấn hạt điều thì có khoảng 8-10 tấn quả điều bị vứt đi. Theo các nghiên cứu tại Ấn Độ, Braxin, Nigeria thì hàm lượng vitamin C trong dịch ép quả điều đạt tới 219 mg/100 ml dịch ép quả tươi, cao gấp 5 lần cam, 12 lần so với dứa. Dịch ép quả điều còn chứa hàm lượng cao các hợp chất tannin, polyphenol là các hợp chất kháng oxy hóa tự nhiên rất có lợi cho sức khỏe con người. Thế nhưng hiện tại quả điều bị vứt bỏ vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường.
Nghiên cứu này nhằm đánh giá sự biến đổi hàm lượng tanin, vitamin C, polyphenol và khả năng kháng oxy hóa của dịch ép quả điều ở từng giai đoạn chín khác nhau. Quả điều thu hoạch tại Bình Phước được phân thành 4 nhóm theo độ chín quả bao gồm: xanh già (X), vừa chín (VC), chín vàng (CV), chín mềm (CM).
Kết quả cho thấy, hàm lượng tanin giảm rõ rệt từ quả xanh (X) 470 ± 0,02 mg/100 ml xuống quả chín mềm (CM) 130 ± 0,01 mg/100 l, vitamin C giảm gần một nửa từ 334 ± 3,7 mg/100 l đối với quả xanh (X) xuống 176 ± 3,1 mg/100 l ở quả chín mềm (CM). Hàm lượng polyphenol ở quả xanh (X) có giá trị rất cao đạt 1.873,3 ± 5,2 mg/100 l và giảm mạnh gần 7 lần ở quả chín mềm (CM) với 280,6 ± 3,5 mg/100 l. Khả năng kháng oxy hóa xác định theo phương pháp bắt gốc tự do DPPH cao nhất ở quả X (IC50 = 32,3 ± 2,3 µg chất khô/ml), tiếp đến ở quả VC (IC50 = 172,4 ± 2,5 µg chất khô/ml), CV (IC50 = 239,6 ± 2,1 µg chất khô/ml) và thấp nhất ở quả CM (IC50 = 407,1 ± 2,1 µg chất khô/ml). Năng lực khử giảm dần trong quá trình chín ở quả điều. Hàm lượng tanin, vitamin C, polyphenol và khả năng kháng oxy hóa giảm dần theo thứ tự độ chín quả điều như sau: X > VC > CV > CM.
Như vậy, dịch ép quả điều giàu dinh dưỡng và có tính kháng oxy hóa cao; Quả điều ở độ chín vàng (CV) và chín mềm (CM) thích hợp cho việc dùng làm nguyên liệu chế biến rượu vang điều, nước ép điều.
Theo TC Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, số 10/2018