Nghiên cứu xây dựng quy trình phân tích triclosan và triclocarban trong một số dạng mỹ phẩm bằng HPLC
Nghiên cứu do nhóm tác giả Võ Trần Ngọc Hùng, Lê Thị Hường Hoa, Thái Nguyễn Hùng Thu thực hiện.
Triclosan (TCS) có tác dụng ức chế sự phát triển vi khuẩn ở nồng độ thấp và có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn ở nồng độ cao, ngoài ra nó còn có tác dụng với nhiều loại vi nấm nên thường được sử dụng với hai mục đích chính: Bảo quản sự ổn định của chế phẩm và tiệt khuẩn, khử trùng, tẩy uế. Triclocarban (TCC) cũng có tác dụng tương tự. Triclocarban khá nhạy cảm đối với vi khuẩn Gram (+). Theo Hiệp định hòa hợp ASEAN về quản lý mỹ phẩm nồng độ TCS tối đa cho phép trong nước súc miệng là 0,2 %, trong kem đánh răng và các sản phẩm vệ sinh cá nhân khác là 0,3 %. Nồng độ TCC tối đa được sử dụng với mục đích bảo quản là 0,2 % tuy nhiên nồng độ được sử dụng trong các sản phẩm rửa sạch (rinse-off products) có thể lên đến 1,5 %.
Ảnh minh họa: Internet
Việc lạm dụng TCS và TCC đã không những làm gia tăng khả năng đề kháng của vi khuẩn với TCS và TCC mà còn làm gia tăng đề kháng của vi khuẩn với một số loại kháng sinh. Do vậy, việc sử dụng TCS và TCC trong các chế phẩm cần được tuân thủ một cách nghiêm ngặt hơn. Nghiên cứu này nhằm xây dựng phương pháp cho phép xác định đồng thời hàm lượng TCS và TCC trong một số dạng mỹ phẩm là kem đánh răng và nước rửa tay.
Một quy trình cho phép phân tích đồng thời triclosal và triclocarban trong kem đánh răng và nước rửa tay bằng HPLC có quá trình xử lý mẫu đơn giản bằng chiết siêu âm với acetonitril rồi thêm nước theo tỷ lệ 7:3 đã được thiết lập. Kết quả thẩm định tại giới hạn định lượng cho thấy với điều kiện phân tích này phương pháp có độ lặp lại cao, độ đúng tốt, khoảng tuyến tính đủ rộng và có giới hạn phát hiện tốt. Đã áp dụng phương pháp để phân tích 13 mẫu kem đánh răng và 7 mẫu nước rửa tay trên thị trường, các mẫu có chứa TCS, TCC đều ở mức cho phép. Hy vọng quy trình này có thể triển khai áp dụng được tại các đơn vị kiểm nghiệm mỹ phẩm.