Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống in vitro cây sâm núi dành
Nghiên cứu do nhóm tác giả Đồng Thị Kim Cúc và Nguyễn Thanh Loan của Trung tâm Thực nghiệm Sinh học Nông nghiệp Công nghệ cao - Viện Di truyền Nông nghiệp thực hiện tại Phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tế bào thực vật và nhà lưới của Viện Di truyền Nông nghiệp trong năm 2017.
Ảnh: Internet
Sâm Núi Dành là một loài cây thuốc phân bố ở chân Núi Dành thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, có tên khoa học là Callerya speciosathuộc Ngành Ngọc lan (Magnoliphita), Lớp Ngọc lan (Magnoliopsita), Phân Lớp Hoa Hồng (Rosidae), Bộ Đậu (Fabaceae), Họ Đậu (Fabaceae), Phân họ Đậu (Faboideae) (Đồng Thị Kim Cúc và ctv., 2017). Củ Sâm Nam có chứa saponin - một thành phần quan trọng quyết định chất lượng của Sâm. Saponin trong sâm cho lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe cho con người. Một số công dụng từ nghiên cứu đã chứng minh và nhận thấy được các tác dụng của saponin như: làm giảm lượng cholesterol trong máu, chống ung thư, giúp sự hoạt động của xương thêm chắc khỏe và kích thích hệ miễn dịch tự nhiên. (Võ Văn Chi, 2012). Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy do nhu cầu sử dụng dược liệu tăng mạnh trong thời gian gần đây nên cây Sâm Núi Dành bị khai thác ồ ạt, dẫn đến nguồn nguyên liệu đang trở nên cạn kiệt. Một nguyên nhân khác dẫn đến sự cạn kiệt các nguồn gen quý này là do cây Sâm gặp khó khăn trong nhân giống, hạt khó nảy mầm trong điều kiện tự nhiên và nhân giống vô tính có hệ số nhân thấp. Việc bảo tồn các loài sâm quý này đang ở mức báo động, cần sự chung tay góp sức của các cấp, ngành và người dân địa phương. Việc đáp ứng nhanh và bền vững nguồn giống Sâm Núi Dành có chất lượng tốt đang là yêu cầu cấp bách. Nguồn cung cấp cây giống hiện nay chủ yếu bằng phương pháp nhân giống truyền thống: giâm cành, gieo hạt nhưng hệ số nhân giống đạt rất thấp, hạt gần như không nảy mầm ngoài tự nhiên. Để cải thiện hệ số nhân giống cây Sâm này, nghiên cứu sử dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào đã được thực hiện. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm thiết lập quy trình nhân giống in vitro cây Sâm Núi Dành có nguồn gốc từ huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, bắt đầu từ giai đoạn vào mẫu cho đến giai đoạn ra cây ngoài vườn ươm. Ưu việt của nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô in vitrolà tạo ra số lượng lớn cây giống ổn định về mặt di truyền, đồng nhất về phẩm chất, kích thước, màu sắc, sạch bệnh. Bài viết này sẽ giới thiệu quy trình cơ bản nhân giống Sâm Núi Dành bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào.
Nghiên cứu sử dụng vật liệu là đoạn thân bánh tẻ chứa chồi ngủ cây Sâm Núi Dành có độ tuổi từ 1 - 1,5 tuổi có nguồn gốc từ huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Hóa chất là môi trường MS (Murashige and Skoog, 1962), HgCl2, Kinetin, 6-Benzyladenin (BA), Naphthalene Acetic Acid (NAA), Indole-3-butyric (IBA), myo-inositol (Merck, Đức). Thiết bị, dụng cụ nghiên cứu gồm box cấy, nồi hấp, cân phân tích, ống đong các loại, bình tam giác, ống nghiệm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, khử trùng mẫu bằng HgCl2 0,1% trong thời gian 5 phút cho hiệu quả khử trùng tốt nhất, tỷ lệ mẫu sạch bệnh đạt 95% và tỷ lệ mẫu nảy chồi đạt 45%. Môi trường tái sinh chồi tốt nhất là môi trường MS + 0,2 mg/l Ki + 1 mg/l BAP + 100 ml/l nước dừa + 30 g/l đường sucroza + 6,5 g/l thạch aga,tỷ lệ chồi tái sinh đạt 100%. Môi trường MS + 3,0 mg/l BA + 0,2 mg/ IBA + 30 g/l đường sucroza + 6,5 g/l thạch aga thích hợp cho nhân nhanh chồi Sâm Núi Dành, đạt hệ số nhân 6,6 lần. Môi trường thích hợp để tạo rễ cho chồì cây Sâm Núi Dành là: ½ MS + 1 mg/l IBA + 0,4 g/l than hoạt tính, cho tỷ lệ chồi ra rễ đạt 95%, số rễ TB/chồi 3,2 rễ, chất lượng bộ rễ tốt. Ở vườn ươm giá thể thích hợp để tiếp nhận cây là giá thể hữu cơ (50% bột xơ dừa + 50% phế liệu sản xuất nấm ăn), cho tỷ lệ cây sống đạt 94% sau 60 ngày.
Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 02/2018