Đánh giá bệnh phấn trắng và bệnh vi rút đốm vòng đu đủ ở tập đoàn dưa chuột
Dưa chuột hay dưa leo (Cucumis sativus L.) thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae), được trồng lâu đời trên thế giới và trở thành thực phẩm của nhiều nước. Dưa chuột có tầm quan trọng thứ tư trong các loại cây rau với sản lượng toàn cầu là 65,1 triệu tấn và giá tr ị đạt 12 tỷ đô la Mỹ (Elmahdy Ibrahim Metwally and Mohamed Tawfik Rakha, 2015).
Ảnh: Internet
Ở nước ta, dưa chuột đã được trồng từ rất lâu, không chỉ để giải quyết vấn đề thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày mà còn là cây thương mại quan trọng. Trồng dưa chuột có nhiều ưu thế như chi phí sản xuất thấp, thời gian thu hoạch ngắn. Tuy nhiên, sản xuất dưa chuột còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết, sâu bệnh hại nên năng suất và chất lượng dưa chuột bị giảm nhiều. Sâu, bệnh và cỏ dại gây thiệt hại lớn cả về năng suất và chất lượng cho cây rau nói chung và dưa chuột nói riêng. Mặc dù chưa có thống kê chính thức về các thiệt hại do sâu bệnh gây ra ở Việt Nam, tuy nhiên theo thống kê của các nhà khoa học Mỹ và Canada cho thấy ở Mỹ thiệt hại do sâu, bệnh gây ra cho dưa chuột tương ứng là 21% và 15%; còn ở Canada tương ứng là 15,5% và 12,5% (Ronald et al., 1994). Việc đánh giá khả năng kháng bệnh của tập đoàn dưa chuột nhằm sàng lọc các giống có khả năng kháng bệnh phục vụ cho sản xuất và lai tạo giống là cần thiết hiện nay. Năm 2014, tác giả Trần Danh Sửu và cộng tác viên đã tiến hành đánh giá bốn bệnh hại là phấn trắng (Powdery mildew), sương mai (Downy mildew), vi rút đốm vòng đu đủ (Papaya ring spot virus), vi rút khảm vàng (Zucchini yellow mosaic virus) trên 50 mẫu giống dưa chuột đang lưu giữ tại Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia (Trần Danh Sửu và ctv., 2017). Với mục tiêu đánh giá hai bệnh là bệnh phấn trắng và bệnh vi rút đốm vòng đu đủ , tác giả Trần Danh Sửu (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và Hồ Thị Minh (Trung tâm Tài nguyên thực vật) đã thực hiện nghiên cứu này.
Nghiên cứu sử dụng 50 mẫu giống dưa chuột đang lưu giữ tại Ngân hàng gen Quốc gia (Bảng 2) và 3 giống đối chứng có nguồn gốc từ Nhật Bản là Progress, Spring deus và TI-126 làm vật liệu chính và được thực hiện năm 2015 tại Trung tâm Tài nguyên thực vật - An khánh, Hoài Đức, Hà Nội.
Kết quả đánh giá bệnh phấn trắng trên 50 mẫu giống dưa chuột cho thấy, có 14 giống kháng cao, 23 giống kháng, 2 giống nhiễm, 9 giống nhiễm trung bình và 2 giống nhiễm cao. Kết quả đánh giá bệnh vi rút đốm vòng đu đủ trên 50 mẫu giống dưa chuột có 01 giống kháng vừa, 22 giống nhiễm, 24 giống nhiễm nặng và 3 giống chịu bệnh. Qua đó nhóm tác giả đề xuất cần tiếp tục đánh giá các giống dưa chuột có tính kháng cao thông qua lây nhiễm nhân tạo để chọn ra các giống kháng bệnh phục vụ sản xuất và lai tạo giống dưa chuột.
Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 02/2018