Ảnh hưởng của màng phủ đến sâu đục củ, sinh trưởng, năng suất và chất lượng giống khoai lang tím HL491
Nghiên cứu do các tác giả: Nguyễn Thị Hồng Lĩnh, Lê Vĩnh Thúc, Võ Ngọc Thúy và Lê Văn Vàng công tác tại Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, Khoa Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ, Học viên cao học ngành Khoa học cây trồng Khóa 21, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Trên thế giới, khoai lang (Ipomoea batatas (L.) Lam.) là cây lương thực rất quan trọng sau lúa, lúa mì, bắp và khoai mì (Lin et al., 2007) và được trồng chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Khoai lang chứa nhiều vitamin A, B, C và calci giúp làm giảm chứng đầy hơi. Củ và lá khoai lang được sử dụng làm thức ăn cho người và gia súc.
Ảnh: sưu tầm.
Đề tài được thực hiện nhằm mục tiêu xác định hiệu quả của màng phủ lên thiệt hại do sâu đục củ, sự sinh trưởng, năng suất và chất lượng củ khoai lang tím HL491 tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
Thí nghiệm được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên 3 nghiệm thức là 1/ Không phủ (đối chứng), 2/ Màng phủ bạc và 3/ Màng phủ trong suốt với 4 lần lặp lại.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, ở nghiệm thức màng phủ bạc khoai lang có chiều dài dây, số dây nhánh, tổng số củ, số củ thương phẩm, kích thước củ, cao hơn so với không phủ và màng phủ trong suốt. Màng phủ bạc hạn chế rất nhiều sự tấn công của sâu hại củ sâu khoai lang.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 55, Số 3B (2019): 34-39