SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng phương pháp điện di mao quản xác định hàm lượng các amino axit tự do chính trong sản phẩm sữa ong chúa

[28/09/2019 14:40]

Sữa ong chúa có chứa nhiều dưỡng chất quý, với nhiều loại amino axit quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể. Nghiên cứu này trình bày việc xây dựng phương pháp điện di mao quản (CE) với detector đo độ dẫn không tiếp xúc (C4 D) để định lượng 5 amino axit tự do có hàm lượng cao trong sữa ong chúa gồm lysin (Lys), alanin (Ala), prolin (Pro), axit glutamic (Glu) và axit aspartic (Asp).

Sữa ong chúa là sản phẩm được tiết ra từ hàm của con ong thợ 7 ngày tuổi trở đi để nuôi ong chúa và ấu trùng ong chúa. Ở nhiệt độ thường sữa ong chúa là chất đặc biệt như bơ, màu hơi ngà vàng. Thành phần hoá học của nó rất phức tạp, nó phụ thuộc vào đàn ong, nguồn hoa...  điều đáng chú ý là sữa ong chúa chứa hormon và các chất đặc biệt có tác dụng củng cố và tăng cường sức khoẻ con người. Nó là thuốc rất bổ đặc biệt đối với người già, suy nhược, thiếu máu...

Sữa ong chúa chứa một tỷ lệ đáng kể của protein, axit amin, lipid, vitamin và đường, và cũng có nhiều giá trị dinh dưỡng và dược lý. Sữa ong chúa chứa ít nhất 15 amino axit, quyết định tới giá trị dinh dưỡng của sản phẩm. Các amino axit tự do chiếm hàm lượng cao nhất là prolin, lysin, axit glutamic, alanin, axit aspartic… Hàm lượng các amino axit trong sữa ong chúa thay đổi phụ thuộc vào nguồn sản xuất như chất lượng đàn ong, thời tiết, môi trường nuôi; vào điều kiện bảo quản như nhiệt độ, thời gian... Vì đây là những thành phần đặc hiệu và có giá trị nên hàm lượng của chúng sẽ quyết định chất lượng của sữa ong chúa.

Việc xác định hàm lượng các thành phần này trong sữa ong chúa được thực hiện tại các phòng thí nghiệm bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) hoặc phương pháp sắc ký khí (GC). Tuy nhiên, các phương pháp này đều cần giai đoạn xử lý mẫu phức tạp, có chi phí cao, cùng với các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt, đồng thời tốn khá nhiều thời gian. Hiện nay, trong lĩnh vực thực phẩm, việc ứng dụng phương pháp điện di mao quản (CE), đặc biệt là điện di mao quản vùng (CZE) đang trở nên phổ biến bởi tính đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả tách cao và tiêu tốn ít hóa chất, dung môi [8]. Phương pháp này còn là một kỹ thuật phân tích hướng tới hóa học xanh.

Trong bài báo của Vũ Minh Tuấn và ctv. đã trình bày bày việc xây dựng phương pháp điện di mao quản (CE) với detector đo độ dẫn không tiếp xúc (C4 D) để định lượng 5 amino axit tự do có hàm lượng cao trong sữa ong chúa gồm lysin (Lys), alanin (Ala), prolin (Pro), axit glutamic (Glu) và axit aspartic (Asp). Các amino axit được phân tách trong mao quản với chiều dài hiệu dụng 48 cm và chất điện ly nền axit lactic 2M. Ở điều kiện tối ưu, đường chuẩn của các chất phân tích được xây dựng trong khoảng 2,0÷100 mg/l và có hệ số tương quan tốt (R2 >0,999). Phương pháp có độ đúng tốt với hiệu suất thu hồi trong khoảng 93÷115% với nền nước deion và nền mẫu thật. Quy trình đã được áp dụng thành công để phân tích các amino axit tự do nêu trên trong một số sản phẩm sữa ong chúa tươi hiện có trên thị trường.

TC Khoa học Công nghệ Việt Nam - Tập 61, Số 01 (1/2019)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ