SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá khả năng chịu mặn ở đầu giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng của một số giống khoai Sọ

[28/09/2019 18:38]

Thí nghiệm trồng chậu được tiến hành nhằm đánh giá sinh trưởng và khả năng chịu mặn của một số giống khoai sọ trồng trong điều kiện xử lý mặn nhân tạo bằng NaCl tại Gia Lâm, Hà Nội.

Việt Nam là một trong 6 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Với đường bờ biển dài hơn 3.000 km, diện tích đất bị nhiễm mặn ở nước ta là khá lớn; có khoảng 28,5% diện tích đất vùng đồng bằng sông Hồng và 21% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long là đất nhiễm mặn. Độ mặn trong đất ngày càng tăng do nước biển dâng và do quá trình canh tác. Hiện tượng thiếu nước và dư thừa nhiều muối NaCl trong đất đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng phát triển và năng suất của cây trồng; sau cùng giảm đáng kể hiệu quả kinh tế. Vì vậy, diện tích đất trồng trọt ở nước ta, nhất là vùng ven biển ngày càng bị thu hẹp.

Nhóm khoai môn-sọ (Colocasiaesculenta (L.) Schott) là nhóm cây trồng có giá trị kinh tế và thích nghi được với nhiều địa hình khác nhau, từ đất cạn đến vùng đất trũng hay vùng đất bị nhiễm mặn. Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy khoai môn-sọ có khả năng thích ứng và tăng sinh khối khi được trồng trong điều kiện nhiễm mặn. Do đó, ở nhiều nơi như Trung Quốc, Nhật Bản và Ai Cập đã sử dụng những giống khoai môn-sọ chịu mặn như cây trồng đầu tiên để khai hoang đất ngập mặn.

Ở Việt Nam, diện tích đất trồng khoai môn- sọ khoảng 15.000 ha và được trồng rải rác khắp các vùng địa lý với nhiều giống được lưu giữ và chọn tạo Hầu hết các giống khoai môn-sọ được canh tác trong điều kiện nước trời, chịu ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên như hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt,... Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận của các giống khoai này. Vì vậy, nghiên cứu này được tiến hành nhằm đánh giá sinh trưởng và khả năng chịu mặn của một số giống khoai sọ ở đầu giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng. Đây là giai đoạn quyết định nhiều tới số củ khoai sọ/cây và có ảnh hưởng lớn đến năng suất củ sau này. Kết quả thu thập  được từ nghiên cứu sẽ cung cấp thông tin hữu ích trong công tác chọn tạo giống khoai sọ cũng như trong canh tác khoai sọ ở vùng đất bị nhiễm mặn.

Thí nghiệm tiến hành trên 5 giống khoai sọ được thu thập ở miền Bắc Việt Nam gồm: Tím Tủa Chùa (G1), Trắng Pù Nhung (G2), Tím Mộc Châu (G3), Trắng Thuận Châu (G4), và KS4 (G5). Củ được chọn làm giống là các củ con được thu thập trên đồng ruộng từ vụ trước đó, đồng đều nhau về kích thước trong cùng một giống. Các củ giống được vùi vào cát ẩm đến khi nhú mầm trắng thì đem trồng vào các chậu đã chứa sẵn 5 kg đất phù sa.Thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của 4 mức mặn (0%, 0,15%, 0,3% và 0,45% NaCl) đến sinh trưởng của 5 giống khoai sọ (Tím Tủa Chùa, Trắng Pù Nhung, Tím Mộc Châu, Trắng Thuận Châu và KS4) ở đầu giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng. Mặn được xử lý khi cây có 4 lá và kéo dài trong thời gian 8 tuần.

Kết quả: Sau tuần đầu tiên bị nhiễm mặn, tất cả các giống đều có triệu chứng nhiều lá bị cuộn lại. Sau 4 tuần xử lý mặn, với mức mặn 0,3%, lá ở hầu hết các giống có xu hướng cuộn lại; với mức mặn 0,45%, nhiều lá bị thối viền lá. Đến 8 tuần sau xử lý mặn, tất cả các giống, các lá có dấu hiệu bị nhàu; với mức mặn 0,3% trở lên, nhiều lá già bị thối hết cả lá.Kết quả thí nghiệm cho thấy sinh trưởng của các giống bị ảnh hưởng khác nhau bởi các điều kiện mặn. Giống Tím Mộc Châu có khả năng chịu mặn tốt nhất, sinh trưởng của cây vẫn tăng khi bị nhiễm mặn nhẹ ở mức 0,15% và vẫn duy trì được khối lượng chất khô cao khi bị nhiễm mặn 0,45% NaCl trong 8 tuần. Khả năng chịu mặn thấp hơn là giống Trắng Pù Nhung, Trắng Thuận Châu và Tím Tủa Chùa. Giống KS4 chịu mặn kém nhất, sinh trưởng của cây giảm mạnh khi bị xử lý mặn ở mức 0,3% trong 4 tuần. Ở cả điều kiện mặn và không mặn, khối lượng chất khô tích lũy thân lá không có mối tương quan với khối lượng tích lũy chất khô rễ củ ở cùng thời điểm, nhưng có tương quan với các chỉ tiêu sinh trưởng như chiều cao bẹ lá, chiều dài phiến lá, chiều rộng phiến lá và đường kính tán lá.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ