SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát các yếu tố dinh dưỡng ảnh hưởng đến tăng sinh khối nấm nhộng trùng thảo (cordyceps militaris) nuôi cấy trên môi trường lỏng

[28/09/2019 19:05]

Trong nghiên cứu này, môi trường cho tăng trưởng hệ sợi của militaris đã được nghiên cứu.

Nấm nhộng trùng thảo (Cordyceps militaris) là nấm dược liệu chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học. Loài nấm này tạo hoạt chất cordycepin cao trong các loài thuộc chi Cordyceps và có thể nuôi trồng nhân tạo. Do những yếu tố này, C. militaris được sử dụng rộng rãi làm thuốc hoặc thực phẩm chức năng ở các nước châu Á.

Các loài nấm thuộc chi Cordyceps từ lâu đã được sử dụng làm thuốc chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học. Trong các loài Cordyceps đã được mô tả, 2 loài hiện nay đang được nghiên cứu chiết xuất và nuôi trồng do có giá trị sinh học cao là C. sinensis C. militaris. Nấm đông trùng hạ thảo (C. sinensis) phân bố rất hạn chế trong tự nhiên và vẫn chưa trồng thành công trong môi trường nhân tạo. Nguồn cung cấp chính là thu hái tự nhiên ở các vùng núi cao (Vân Nam, Tây Tạng - Trung Quốc). Do đó, sản lượng nấm thu được không đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nấm nhộng trùng thảo (C. militaris) còn có tên gọi khác là nấm cam sâu bướm được xác định chứa nhiều chất có hoạt tính sinh học quý như cordycepin, polysaccharide, adenosine và nhiều thành phần khác tương đương loài C. sinensis.

Nấm C. militaris có nhiều công dụng như chống ung thư, hỗ trợ miễn dịch, kháng viêm, kháng khuẩn, ổn định đường huyết, chống lão hóa, bảo vệ thần kinh, hỗ trợ tim mạch và ổn định huyết áp... [9]. Tương tự như C. sinensis, nấm C. militaris xuất hiện theo mùa trên những vùng núi cao hiểm trở, do đó cũng khó đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nguồn cung cấp nguyên liệu chính hiện nay là nuôi trồng nhân tạo trên môi trường tổng hợp để thu quả thể nấm. Môi trường nuôi cấy được bổ sung một số nguyên liệu quan trọng như bột nhộng tằm, gạo lứt… Phương pháp này có một số ưu điểm như: mô hình đơn giản, sử dụng lượng nước ít, tiêu thụ ít năng lượng và tạo ra quả thể đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc sản xuất quả thể cũng có một số điểm lưu ý như tốn thời gian, thông thường mất khoảng vài tháng để tạo quả thể. Đồng thời, quá trình nuôi cấy dễ bị nhiễm và khó khăn trong kiểm soát chất lượng của sản phẩm. Phương pháp nuôi thu sinh khối trong môi trường lỏng đã được tiếp cận cho các loài nấm dược liệu như linh chi, vân chi, đông trùng hạ thảo.

Nuôi cấy thu nhận sinh khối trên môi trường lỏng đạt năng suất cao hơn, thời gian ngắn hơn, hạn chế nguy cơ nhiễm và có tiềm năng áp được áp dụng ở quy mô công nghiệp.

Các yếu tố quan trọng trong môi trường nuôi cấy thông thường là hàm lượng cacbon, hàm lượng nitơ, vitamin, khoáng chất…. Các nguyên liệu như cám gạo cung cấp vitamin, bột đậu nành cung cấp nitơ, nước dừa cung cấp khoáng, đường sucrose cung cấp nguồn cacbon có thể sử dụng thay thế các nguồn dinh dưỡng tổng hợp. Với mục tiêu tạo nguồn sinh khối từ những nguyên liệu tự nhiên an toàn, nghiên cứu này khảo sát ảnh hưởng các nguyên liệu cám gạo, đậu nành, nước dừa, sucrose lên sự tăng sinh khối nấm nhộng trùng thảo trong môi trường lỏng.

Sự ảnh hưởng của các thành phần môi trường, bao gồm đường sucrose, bột đậu nành, nước dừa và cám gạo, ở các nồng độ khác nhau đối với sự tăng trưởng của hệ sợi tơ trên môi trường nuôi cấy lỏng được ghi nhận. Hàm lượng phù hợp cho sự tăng sinh hệ sợi được xác định là 30 g/L sucrose, 20 g/L bột đậu nành, 30 mL/L nước dừa và 100 g/L cám gạo.

Tạp chí Khoa học Công nghệ và Thực phẩm 18, 2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ