Hàm lượng tinh bột trong rễ chè, ảnh hưởng của phân hữu cơ sinh học đến sự tích lũy và ứng dụng vào đốn chè trái vụ phục vụ sản xuất chè Đông Xuân tại Phú Thọ
Nghiên cứu do nhóm tác giả Phan Chí Nghĩa, Trần Thành Vinh (Khoa Nông - Lâm - Ngư, Trường Đại học Hùng Vương), Nguyễn Văn Toàn (Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc) và Nguyễn Ngọc Nông (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) thực hiện từ năm 2014 đến 2017 tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc - xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.
Ảnh: Internet
Trong thời gian gần đây, việc sản xuất chè vụ Đông Xuân đang được nhiều người quan tâm do các lợi ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, nếu muốn sản xuất chè Đông Xuân thì bắt buộc cần có những thay đổi trong kỹ thuật canh tác, một trong những kỹ thuật quan trọng nhất là thay đổi thời điểm đốn chè hay còn gọi là đốn trái vụ. Điều bất cập là khi đốn chè trái vụ tỷ lệ cây chết thường cao và cây sinh trưởng kém sau khi đốn. Nghiên cứu của Manivel L. (1980) cho thấy hàm lượng Hidratcacbon (tinh bột) có trong rễ chè trước khi đốn tương quan dương với sự phục hồi sinh trưởng cây chè sau khi đốn. Như vậy, hàm lượng tinh bột trong rễ cao thì cây chè sau đốn sinh trưởng phát triển mạnh. Tác giả Dongmei Fan (2016) kết luận: việc bón phân hữu cơ sinh học làm nâng cao kết cấu đất, bổ sung dinh dưỡng và giúp bộ rễ chè phát triển mạnh. Đây chính là cơ sở cho việc cần thiết phải thử nghiệm bón phân hữu cơ sinh học cho chè trước khi đốn trái vụ.
Nghiên cứu được thực hiện trên cây chè Kim Tuyên tuổi 2, nương chè Kim Tuyên tuổi 10. Kết quả cho thấy diễn biến hàm lượng tinh bột trong rễ chè tuân theo quy luật sinh trưởng của các loài thực vật, cao nhất là tháng 12 (214,6 mg/g) và thấp nhất là tháng 7(66,2 mg/g). Bón bổ sung phân hữu cơ sinh học đã làm tăng hàm lượng tinh bột ở rễ chè từ 0,4 - 20,3 mg/g. Mức chênh lệch cao nhất là tháng 5, thấp nhất là tháng 8.Việc lựa chọn thời vụ đốn vào tháng 12 là phù hợp với chu kỳ sinh trưởng của cây chè. Tuy nhiên, để sản xuất chè Đông Xuân cần bón bổ sung phân hữu cơ sinh học và thay đổi thời vụ đốn chè sang tháng 4. Bón phân hữu cơ sinh học đã làm tăng tích lũy tinh bột trong rễ chè lên 10,3 mg/g, đạt 197,6 mg/g. Thay đổi thời vụ đốn chè sang tháng 4 hàng năm làm tăng mật độ búp chè (204,5 búp/m2), nâng cao năng suất trung bình lứa (9,21 tạ/ha), tăng số lứa hái trong vụ Đông Xuân mà vẫn đảm bảo sản lượng cả năm tương đương đốn tháng 12. Đốn chè tháng 4 đảm bảo các chỉ tiêu sinh hóa của chè vụ Đông Xuân để sản xuất chè xanh chất lượng cao, tăng lãi thuần thêm 40.584.000 đồng/ha so với đốn tháng 12.
Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 02/2018