SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng, phát triển và năng suất của một số giống lúa thuần vụ xuân tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên

[29/09/2019 16:13]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Tuấn Điệp, Nguyễn Thị Ngọc (Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang), Nguyễn Thị Tuyết (Trung tâm giống Nông nghiệp Hưng Yên) thực hiện trong vụ Xuân 2016 trên đất 2 lúa tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Ảnh: Internet

Cây lúa (Oryza sativa L.) là cây lương thực chính ở Việt Nam. Trong những năm từ 2011 - 2016, diện tích lúa cả năm trên toàn quốc ổn định ở mức 7,60 - 7,90 triệu ha, năng suất bình quân đạt 56,43 tạ/ha (Tổng cục Thống kê, 2016). Việc chọn tạo các giống lúa mới để bổ sung cho sản xuất được nhiều cơ quan nghiên cứu thực hiện (Bùi Chí Bửu, 1995; Nguyễn Hữu Nghĩa, 2007). Việc đánh giá, xác định giống lúa phù hợp cho từng vùng đảm bảo các tiêu chí về năng suất, chất lượng sản phẩm, chống chịu sâu bệnh hại, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường cần được quan tâm (Trần Đình Long và ctv., 1997). Trên địa bàn huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên có nhiều giống lúa thuần được chuyển giao cho sản xuất song chưa xác định được giống lúa phù hợp nhất cho vụ lúa Xuân ở đây. Vì vậy, việc nghiên cứu đặc điểm sinh trưởng, phát triển và năng suất của một số giống lúa thuần mới trong vụ Xuân tại huyện Ân Thi có ý nghĩa thực tiễn và có thể tham khảo cho sản xuất lúa của tỉnh Hưng Yên.

Nghiên cứu sử dụng 6 giống lúa gồm DT69: Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo bằng phương pháp xử lý đột biến phóng xạ từ giống lúa Nương, DT68: Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo bằng phương pháp xử lý đột biến phóng xạ và chọn lọc từ giống lúa Razư, DT45: Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo bằng phương pháp lai tích lũy kết hợp với nuôi cấy bao phấn con lai BC3F1 tổ hợp MT 508-1/IRBB5, ĐB15: Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo bằng phương pháp chiếu xạ tia Gamma nguồn C060từ giống lúa LT2, J02: Giống lúa thuần Japonica có nguồn gốc từ Nhật Bản được Viện Di truyền nông nghiệp nhập nội và tuyển chọn, Bắc thơm số 7 (BT7, đối chứng): Giống nhập nội từ Trung Quốc.

Nghiên cứu cho thấy trong vụ Xuân 2016, các giống lúa thí nghiệm có thời gian sinh trưởng ngắn tới trung bình, giống ĐB15 có TGST ngắn nhất (121 ngày), ngắn hơn hẳn so với giống đối chứng BT7 là 12 ngày. Các giống lúa thí nghiệm bị nhiễm sâu bệnh hại chủ yếu ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, thời kỳ trỗ bị sâu đục thân song mức độ hại nhẹ (điểm 1 - 3). Giống DT68 (đạt 6,52 tấn/ha) và J02 (đạt 6,25 tấn/ha) cho năng suất thực thu cao nhất, chất lượng gạo cao, độ bạc bụng thấp nhất, cơm ngon là hai giống triển vọng trong các giống thí nghiệm tại huyện Ân Thi, Hưng Yên. Qua đó, nhóm tác giả kiến nghị cần tiếp tục mở rộng diện tích đối với hai giống lúa DT68 và J02 trên địa bàn huyện Ân Thi và các vùng có điều kiện sinh thái tương tự.

TC Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 02/2018
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ