Ảnh hưởng của mật độ nuôi và hàm lượng protein trong thức ăn đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của cá lóc đầu nhím (channa sp.) nuôi thương phẩm
Nghiên cứu do các tác giả Mai Văn Tùng, Nguyễn Thị Hậu và Trần Thị Nắng Thu của Khoa Thuỷ sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Cá lóc là loài cá nước ngọt có phân bố rộng trong tự nhiên và là loài cá đặc trưng ở Việt Nam. Cá lóc là cá có tính dữ, phổ thức ăn rộng, tốc độ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao và ổn định. Tuy nhiên, các nghiên cứu về mật độ nuôi phù hợp đối với cá lóc thương phẩm có rất ít, việc lựa chọn mật độ nuôi của các cơ sở sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và đa phần vẫn sử dụng cá tạp làm nguồn thức ăn chính dẫn đến việc khó kiểm soát được mầm bệnh.
Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)
Mục tiêu của nghiên cứu này là tìm ra mật độ và hàm lượng protein thích hợp để ương nuôi cá lóc đầu nhím thương phẩm. Nghiên cứu được tiến hành tại Khoa Thuỷ sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Thí nghiệm được bố trí trong các bể composite (1m3/bể), mỗi công thức được lặp lại 3 lần.
Thí nghiệm 1 nhằm đánh giá ảnh hưởng của ba mật độ nuôi 70, 80, 90 con/m3 (cỡ cá 8,90±0,45 g/con) lên tốc độ sinh trưởng của cá khi sử dụng thức ăn viên 42% protein. Sau 4 tuần nuôi với mật độ 70 con/m3 tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng và hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) của cá lóc đầu nhím lần lượt là 99,05±0,82%; 0,33±0,02 g/ngày và 1,18±0,05; ở mật độ 80 con/m3 đạt 99,17±1,44%; 0,40±0,02 g/ngày và 1,19±0,02, mật độ 90 con/m3 đạt 99,26±0,64%; 0,36±0,01 g/ngày và 1,34±0,03. Sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống chưa có ý nghĩa thống kê (P>0,05) giữa các công thức.
Thí nghiệm 2 đánh giá ảnh hưởng của 3 loại thức ăn có hàm lượng protein là 30%, 35% và 42% đến khả năng tăng trưởng và tỷ lệ sống cá lóc nuôi ở mật độ 80 con/m3 (cỡ cá 36,6±1,11 g/con). Sau 4 tháng nuôi, công thức (CT) có hàm lượng protein 42% cho kết quả tăng trưởng cao nhất (1,99±0,03 g/ngày) và tỷ lệ sống 86,67±5,05%, kế đến là CT 35% (1,76±0,06 g/ngày; 87,50±6,25%) và CT 30% thấp nhất (1,60±0,05 g/ngày; 84,58±2,89%). Sai khác về tỷ lệ sống giữa các công thức chưa có ý nghĩa thống kê (P>0,05). Ngoài ra, CT 42% protein cho kết quả tốt nhất với tăng trưởng về chiều dài (1,34±0,03 mm/ngày), FCR (1,19) và hệ số phân đàn (10,3±0,5).
Kết quả nghiên cứu cho thấy ương nuôi cá lóc ở mật độ 80 con/m3, sử dụng thức ăn có hàm lượng protein 42% cho tăng trưởng và tỷ lệ sống tốt nhất so với các mật độ nuôi và hàm lượng protein còn lại.
Theo TC Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, số 11/2018