SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của xử lý axit oxalic đến chất lượng quả đào (Prunus persica L.) sau thu hoạch

[08/10/2019 10:57]

Nghiên cứu do tác giả Vũ Thị Kim Oanh thuộc Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Đào là loại cây ăn quả ôn đới, có tên khoa học là Prunus persica L. Quả đào giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C, carotenoid và các hợp chất phenolics là những nguồn chất kháng oxy hóa rất tốt. Tuy nhiên, quả đào hô hấp đột biến, chín sau thu hoạch và hư hỏng nhanh ở nhiệt độ thường. Do vậy để làm chậm các quá trình biến đổi chất lượng và hạn chế thối hỏng thì tồn trữ đào ở nhiệt độ thấp là biện pháp thường được sử dụng, nhưng đào lại là loại quả rất nhạy cảm với nhiệt độ thấp và dễ bị tổn thương lạnh, yếu tố này làm giảm khả năng bảo quản. Những biểu hiện của tổn thương lạnh quả đào rất đa dạng như: quả bị xơ cứng; khô; vỏ quả, thịt quả hoặc phần lỗ hỏng gần với hạt bị nâu hóa; thịt quả bị đỏ, trong đó hiện tượng nâu hóa của thịt quả là rất phổ biến.

Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)

Hiện nay, để giảm tổn thất sau thu hoạch cũng như để hạn chế hiện tượng nâu hóa xảy ra đối với quả đào nói riêng và rau quả nói chung thì việc xử lý các chất chống nâu hóa được khuyến khích áp dụng. Các chất chống nâu hóa thường được sử dụng đối với rau quả như: hợp chất natri clorua (NaCl), dung dịch axit orthophosphoric (H3PO4), axit salisylic (C7H6O3), axit oxalic (H2C2O4), axit ascorbic (H2C6H6O27), axit citric (C6H8O7), axit Etylen Diamin Tetra Acetic (EDTA). Tuy nhiên, việc xử lý hóa chất phải đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người sử dụng như: loại hóa chất phù hợp với đối tượng nông sản, hình thức xử lý, nồng độ tối đa cho phép, thời gian cách ly.

Mục đích của nghiên cứu này là xác định chế độ xử lý axit oxalic phù hợp nhất cho quả đào sau thu hoạch nhằm hạn chế hiện tượng nâu hóa và duy trì chất lượng quả. Đào được xử lý ở các nồng độ axit oxalic khác nhau trong các khoảng thời gian khác nhau. Đào được thử nghiệm xử lý axit oxalic ở 3 nồng độ 1,0; 2,0 và 3,0 mM axit oxalic trong thời gian 10 phút. Tiếp đó thử nghiệm về thời gian được tiến hành tại các khoảng thời gian khác nhau là 5, 10 và 15 phút với cùng một nồng độ axit phù hợp đã lựa chọn.

Kết quả cho thấy đào được xử lý bằng axit oxalic ở nồng độ 2,0 mM, trong 15 phút cho hiệu quả cao nhất, đã hạn chế được sự nâu hóa và thối hỏng, vẫn duy trì được chất lượng quả đào sau 28 ngày bảo quản.

TC Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, số 11/2018
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ