Nghiên cứu sản xuất bánh mì đen có bổ sung bột ca cao
Nghiên cứu do tác giả Vũ Thị Hồng và Nguyễn Đức Thắng - Trường Đại học Sao Đỏ thực hiện nhằm đề xuất quy trình sản xuất bánh mì đen bổ sung bột ca cao tạo ra sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Bánh mì đen làm từ lúa mạch đen rất có lợi cho sức khỏe. Nó khác với bột mì trắng là có nồng độ chất xơ cao và ít chất béo. Một chiếc bánh mì đen không làm tăng lượng đường trong máu, bên cạnh đó nó còn chứa hàm lượng axit amin và phức hợp các vitamin. Bánh mỳ đen từ lâu đã được sử dụng để chống lại sự thiếu hụt vitamin và các bệnh khác. Hơn nữa, việc sử dụng bánh mì đen tốt cho sức khỏe bởi vì nó có khả năng cải thiện ruột, cải thiện tình trạng tốt cho những người bị táo bón. Ngoài ra, nó còn cải thiện insulin làm giảm nguy cơ bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.
Ảnh minh họa: Inretnet
Bánh mì đen còn có tác dụng giải độc cơ thể nên được đề nghị sử dụng thường xuyên cho bệnh nhân bị bệnh gút. Đặc biệt hơn nữa, nhờ sự hiện diện trong đó hàm lượng sắt cao, nó rất hữu ích cho những người có hemoglobin thấp. Các bác sĩ khuyên những người thiếu máu nên ăn thường xuyên bánh mì đen. Việc sử dụng bánh mì đen cũng được các nhà khoa học trong thế kỷ 19 đưa ra thảo luận sôi nổi, các nhà khoa học đã chứng minh công dụng của bánh mì đen trong việc chữa trị căn bệnh ung thư. Sản phẩm này còn được khuyên nên sử dụng với những người béo phì do có hàm lượng calo thấp và có khả năng làm giảm cholesterol, giúp đáp ứng đói và đốt cháy chất béo hiệu quả. Ngoài ra, các nhà khoa học nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rằng phụ nữ sử dụng bánh mì đen thường xuyên sẽ tạo ra một chất bảo vệ chống lại bệnh ung thư vú. 200 g bánh mì đen mỗi ngày cung cấp cho chúng ta 164 mg calci (tương đương 100 g sữa chua) trong khẩu phần 800 mg calci mỗi ngày mà con người cần nạp vào cơ thể. Một lát bánh mì đen chứa khoảng 77 calo, ít hơn 6 calo so với chiếc bánh quy và tương đương với lượng bơ dùng kèm với lát bánh đó. Hai lát bánh mì đen sẽ cung cấp 1/3 chất xơ hàng ngày cho người lớn.
Hạt ca cao chứa đầy đủ các chất chống oxy hóa, chất béo, carbohydrat, protein, polyphenol - chất chống oxy hóa, các chất khoáng như canxi, magiê, lưu huỳnh, đồng, sắt, kẽm và kali, axit oleic - một chất béo không bão hòa đơn cần thiết cho sức khỏe tim mạch, chất xơ và vitamin E, B2, B1, B5, B3 và B9. Cho nên, loại hạt này là nguồn thực phẩm rất tốt cho sức khỏe con người.
Từ kết quả khảo sát, quy trình sản xuất bánh mì đen đề xuất với các điều kiện thích hợp: lựa chọn tỷ lệ bột mì đen so với bột mì trắng là 1/0,5; tỷ lệ ca cao bổ sung là 12% và chọn tỷ lệ nước/bột là 0,6/1; Ta lựa chọn tỷ lệ muối bổ sung là 0,6%, tỷ lệ nấm men là 0,06%; Theo kết quả nghiên cứu thực nghiệm đề tài lựa chọn nồng độ calci propionat 500 ppm; thời gian nhào là 7 phút; nhiệt độ lên men bánh là 32oC; thời gian lên men bánh ở 110 phút; Thời gian nướng bánh là 20 phút. Chọn nhiệt độ nướng bánh là đáy = 190oC, mặt = 180oC; thời gian bảo quả tối đa của sản phẩm là 4 ngày.
Sản phẩm bánh mì đen có hàm lượng các thành phần: độ ẩm 21%, protein 11,2%, lipid 1,85%, đường tổng số 24,5%, độ tro 1,6%. Chỉ tiêu vi sinh vật tổng số 0,1x103 cfu/g, nấm mốc 10 cfu/g đạt yêu cầu theo TCVN 7406:2004. Kết quả phân tích đánh giá chất lượng sản phẩm bánh mì đen cho thấy sản phẩm đạt tiêu chuẩn về vi sinh của bánh mì và được người dùng chấp nhận ở mức độ khá.