Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn nội sinh phân lập và tuyển chọn vi khuẩn nội sinh trong cây thù lù cạnh (physalis angulata l.) có khả năng kháng khuẩn ở khu vực thành phố cần thơ
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thị Thúy Duy, Nguyễn Hữu Hiệp, Đinh Thị Thái Hà và Đỗ Thị Nhứt đang công tác tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Từ lâu thuốc kháng sinh được sử dụng rất rộng rãi để điều trị nhiều loại bệnh trên người và động vật. Tuy nhiên thuốc kháng sinh lại có nhiều tác dụng phụ và việc lạm dụng thuốc quá mức không theo chỉ dẫn làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh (Claudia Harper, 2002, được trích dẫn bởi Nguyễn Chính, 2005). Vì vậy, hiện nay không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, với xu hướng “trở về với thiên nhiên” thì việc sử dụng các thuốc từ cây dược liệu ngày càng gia tăng so với việc sử dụng thuốc kháng sinh.
Ảnh minh họa: Internet
Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân lập vi khuẩn nội sinh trong cây Thù lù cạnh đã có chức năng kháng khuẩn.
Các mẫu rễ, thân, lá và trái của cây Thù lù cạnh ở khu vực quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ được dùng làm nguyên liệu để phân lập vi khuẩn. Hoạt tính kháng khuẩn được khảo sát bằng phương pháp khuếch tán qua giấy lọc.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng cộng có 62 dòng vi khuẩn nội sinh từ cây thù lù đã được phân lập. Trong đó, 25/62 dòng có khả năng kháng vi khuẩn gây bệnh Aeromonas hydrophila, 20/62 dòng kháng vi khuẩn Escherichia coli, 13/62 dòng kháng vi khuẩn Staphyloccocus aureus. Ngoài ra, kết quả khảo sát 12 dòng vi khuẩn kháng khuẩn cao nhất đối với khả năng kháng thuốc kháng sinh cho thấy 12 dòng vi khuẩn thử nghiệm đều có khả năng kháng Streptomycin ở nồng độ từ 0,125-256 mg.L-1, 11 dòng có khả năng kháng Penicillin V với nồng độ từ 0,125-0,5 mg.L-1 và 8/12 dòng có khả năng kháng Cephalexin ở nồng độ từ 0,125-256 mg.L-1. Kết quả định danh thông qua trình tự 16S-rRNA cho thấy 3 dòng vi khuẩn DL19, DR7 và DTR12 lần lượt thuộc chi Bacillus, Enterobacter và Bacillus, có quan hệ gần gũi nhất tương ứng với loài Bacillus amyloliquefaciens NBRC 15535, Enterobacter cloacae DSM 30054 và Bacillus subtilis IAM 12118.
Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT, Tập 55, Số 4B (2019): 10-20