Diện mạo cộng đồng ngư dân Sông Đốc
Cộng đồng ngư dân vùng ven biển Nam Bộ là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học trong thời gian qua. Các nghiên cứu này giúp chúng ta hiểu hơn về những đóng góp của ngư dân Tây Nam Bộ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội vùng ven biển nơi đây cũng như diện mạo, đặc trưng của họ.
Trong quá trình khảo sát, chúng tôi vận dụng các phương pháp nghiên cứu định tính để thu thập dữ liệu. Trước hết, chúng tôi thực hiện điền dã dân tộc học để ghi chép sinh hoạt văn hóa, kinh tế, xã hội của cộng đồng ngư dân Sông Đốc. Những tư liệu này được ghi chép lại để lưu giữ những sự kiện, hiện tượng mà chúng tôi quan sát được và có ý nghĩa khi dùng để miêu thuật những hoạt động kinh tế, xã hội cũng như văn hóa của cộng đồng.
Mặt khác, việc quan sát tham dự còn để nhận ra những hiện tượng, đồng thời góp phần kiểm chứng thông tin, tìm hiểu sâu và khơi gợi các vấn đề thảo luận cho các cuộc phỏng vấn người dân. Thực hiện phỏng vấn sâu tại cộng đồng là phương pháp được chúng tôi sử dụng. Trong đó, ưu tiên nhất là việc chọn mẫu theo nhóm đánh bắt trong cộng đồng gồm tài công, ngư phủ, các chủ ghe cùng với những nghề nghiệp liên quan như các chủ đại lí thu mua thủy hải sản, người buôn bán tạp hóa, người làm nghề đóng ghe. . . để tìm hiểu thông tin về nghề cá địa phương. Những nội dung chính mà chúng tôi đặt ra trong các cuộc phỏng vấn tập trung về thông tin nghề nghiệp bản thân, các tri thức của họ về cộng đồng, niềm tin lẫn cách thể hiện niềm tin của họ vào thần linh, những rủi ro sinh kế thường xuyên xảy ra. . . Bên cạnh đó, các ghi chép ở thực địa (field notes) về địa bàn, các loại tôm cá sinh sống, các phương thức đánh bắt thủy hải sản. . . cung cấp nhiều tư liệu hữu ích cho bài viết. Vì vậy, những ghi chép từ những cuộc thảo luận nhóm thông qua những cuộc trò chuyện phi chính thức ở từng nhóm khác nhau trong cộng đồng (đại diện chính quyền, đại diện các ban khánh tiết, ban trị sự, ban quản trị, hội miếu và có cả đại diện những nghề nghiệp khác nhau. . . ) đã được triển khai và lưu giữ để tham khảo. Cách làm này mang lại nhiều tư liệu sống động về lịch sử, văn hóa, quan hệ xã hội nghề nghiệp, hoạt động sinh kế của cộng đồng.
Tàu thuyền của ngư dân Sông Đốc
Cộng đồng ngư dân thị trấn Sông Đốc gắn liền với nghề đánh bắt thủy hải sản trước nay, hiện tại trở thành một thị trấn ven biển đông dân và tập trung đông đúc số lượng ghe tàu đánh bắt, các ngành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá được gia tăng ngày một quy mô lớn. Ngư dân thị trấn sông Đốc đã không ngừng sáng tạo và biết học hỏi các phương thức đánh bắt thủy hải sản hiệu quả để phát triển.
Bên cạnh đó, nghề đánh bắt thủy hải sản chính là sinh kế của cộng đồng với quá trình phát triển, mở rộng phạm vi đánh bắt từ trong bờ, ven bờ, cho đến nay là xa bờ. Nghề này đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương hiện tại. Bên cạnh đó, với đặc điểm là cộng đồng đa nghề nghiệp, cộng đồng ngư dân thị trấn Sông Đốc còn có nhiều nghề khác như nghề nuôi trồng thủy hải sản, nghề trồng lúa, nghề làm muối và nghề kinh doanh... nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương cũng như sự phát triển toàn diện của kinh tế – xã hội.
Vì vậy, mô hình cơ cấu kinh tế của thị trấn Sông Đốc là ngư – thương – nông kết hợp. Giống với nhiều cộng đồng ngư dân khác ở vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, cộng đồng ngư dân thị trấn Sông Đốc thuộc loại hình ngư dân bãi dọc. Ngư dân cư trú, neo đậu ghe tàu bên trong bờ và tiến ra khơi xa đánh bắt.
Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Trà Vinh, Số 34 - 06/2019