Internet kết nối vạn vật ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp phát triển.
Tuy đạt được một số thành tựu bước đầu, nhưng hệ sinh thái Internet kết nối vạn vật (IoT) của Việt Nam đang tồn tại một số bất cập như: chưa có ứng dụng IoT thực sự nào có ảnh hưởng mạnh đến đời sống xã hội; thị trường IoT tuy “nóng”, nhưng nhà cung cấp phần cứng và phần mềm chủ yếu vẫn là đối tác nước ngoài... Để khai thác tiềm năng phát triển IoT của Việt Nam, chúng ta cần có một lộ trình, chính sách chung cho toàn bộ các nhân tố của hệ sinh thái IoT; tham khảo kinh nghiệm nước ngoài trong xây dựng hệ thống quốc gia nghiên cứu và phát triển (R&D) về IoT; tạo ra một số dự án tiên phong để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thực trạng phát triển hệ sinh thái IoT của Việt Nam:
Hệ sinh thái IoT gồm các tác nhân chính: Chính phủ (ban hành chính sách, thúc đẩy phát triển qua đầu tư công); doanh nghiệp/doanh nghiệp khởi nghiệp/cộng đồng phát triển (cung cấp các giải pháp công nghệ về phần mềm, hạ tầng kết nối, phần cứng, dịch vụ…); thị trường; và mối liên hệ giữa các thành tố này với nhau. Trong thời gian qua, hệ sinh thái IoT của Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tạo nên hệ sinh thái IoT nhằm thúc đẩy sự phát triển IoT tại Việt Nam
Trong bức tranh toàn cảnh về IoT ở Việt Nam, có thể thấy rằng các phân đoạn như xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối và nền tảng mở là những nhiệm vụ được triển khai bởi các công ty viễn thông lớn như Viettel, VNPT. Bên cạnh đó, DTT, FPT, VNG và Konexy là các công ty phần mềm cũng đang nghiên cứu trên nền tảng IoT. Bên cạnh đó, DTT, FPT, VNG và Konexy là các công ty phần mềm cũng đang nghiên cứu trên nền tảng IoT. Trên hết, các công ty nhỏ hơn đang sử dụng cơ sở hạ tầng hiện tại để tập trung vào việc xây dựng các giải pháp theo chiều dọc và đưa ra thị trường trong thời gian ngắn. Chính phủ đóng vai trò hỗ trợ bằng cách xây dựng hệ sinh thái bền vững, bao gồm các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển và xây dựng các vườn ươm công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, trong hệ sinh thái IoT không thể thiếu các yếu tố khác như sự hình thành và phát triển của các khu công nghệ cao, các vườn ươm, các quỹ đầu tư… đóng vai trò như các chất xúc tác để thúc đẩy khởi nghiệp trong IoT. Các trường đại học, học viện đóng vai trò đáp ứng nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển của IoT. Ngoài ra, các nhóm nghiên cứu, các hội, nhóm của các cá nhân, các tổ chức cùng tham gia vào hệ sinh thái để nâng cao nhận thức về vai trò của IoT trong xu thế phát triển chung.
Giải pháp phát triển:
Một là, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trong đó nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc kiến tạo những điều kiện hỗ trợ và thúc đẩy tác động kinh tế của ngành công nghiệp IoT trong các lĩnh vực; xây dựng hạ tầng cơ sở về mạng truyền thông với thế hệ 5G; xây dựng và thống nhất tiêu chuẩn IoT; tăng cường bảo mật, an toàn, an ninh, cho IoT.
Hai là, cần có một lộ trình, chính sách chung cho toàn bộ các thành tố của hệ sinh thái IoT để các bên cùng “bắt tay nhau” phát triển.
Ba là, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài trong xây dựng hệ thống quốc gia nghiên cứu và phát triển về IoT.
Bốn là, để xây dựng lợi thế cạnh tranh, Chính phủ đóng vai trò không thể thiếu trong việc tạo ra một số dự án tiên phong để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo ra sức cạnh tranh trên tới thị trường nội địa, cũng như hướng thị trường quốc tế.
Bài viết đươc tóm tắt từ bài viết của tác giả Bạch Tân Sinh - Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ; Đặng Thị Hoa - Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam số 1+2 năm 2019 (trang 22-24)