Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ
Phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ (KH&CN) được hiểu là loại hình hoạt động thông tin KH&CN bao gồm việc thu thập, cập nhật và xử lý các dữ liệu, số liệu, dữ kiện, thông tin nhằm tạo lập và phát triển nguồn tin KH&CN. Trong thời gian qua, việc phát triển nguồn tin KH&CN đã được Nhà nước và các tổ chức quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, nguồn tin này số lượng còn ít, không được cập nhật thường xuyên… Thực trạng này đòi hỏi cần có những giải pháp khắc phục và phát triển nhằm đạt được mục tiêu mà Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 1/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đề ra.
Thực trạng phát triển nguồn tin KH&CN:
Nguồn tài liệu và thông tin KH&CN nội sinh ở Việt Nam là tri thức cốt lõi của nền KH&CN Việt Nam, được tạo ra bởi các nhà khoa học và các tổ chức KH&CN. Các nguồn tin nội sinh chủ yếu ở dưới dạng các tạp chí khoa học của Việt Nam, phần lớn do các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc các hội nghề nghiệp xuất bản theo hình thức đơn lẻ, với số lượng ít ỏi. Hình thức xuất bản phổ biến vẫn là tạp chí in với số lượng hạn chế, không mang tính kinh doanh. Bên cạnh đó, hàng năm tại Việt Nam diễn ra hàng nghìn hội thảo khoa học chuyên ngành.
Trên thế giới, nguồn tin KH&CN rất phong phú và phát triển nhanh chóng. Các nguồn tin KH&CN của thế giới được xuất bản và công bố bởi hệ thống xuất bản khoa học. Hầu hết các tạp chí KH&CN đều được cung cấp trực tuyến, và trong nhiều trường hợp các nhà xuất bản đã số hóa các số tạp chí in trước đây để tạo thành bộ sưu tập hồi cố từ số xuất bản đầu tiên. Về thị phần xuất bản khoa học quốc tế, chỉ riêng 100 nhà xuất bản lớn nhất đã xuất bản 67% tổng số tạp chí khoa học. Top 5 nhà xuất bản hàng đầu chiếm 35% tổng số tạp chí, trong đó riêng 4 nhà xuất bản (Elsevier, Springer, WileyBlackwell, và Taylor & Francis), mỗi nhà xuất bản đã có trên 2.000 tạp chí. Điều này cho thấy, nếu chúng ta mua được các tạp chí KH&CN của 5 nhà xuất bản hàng đầu thế giới thì đã đảm bảo đến 35% số tạp chí KH&CN toàn cầu, chiếm đến 50% số bài báo công bố trên các tạp chí KH&CN.
Trong những năm qua, hợp tác phát triển nguồn tin KH&CN đã được triển khai dưới hình thức Liên hợp thư viện (library consortium). Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng đối với việc bổ sung, phát triển nguồn tin KH&CN nhằm mục đích tăng cường năng lực thông tin cho các tổ chức TTTV Việt Nam, tiết kiệm kinh phí, tránh trùng lặp, lãng phí và thúc đẩy các quan hệ hợp tác khác.
Giải pháp phát triển nguồn tin KH&CN:
Trước thực trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 1/10/2018 phê duyệt đề án “Phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu tổng quát là: i) Tiếp tục phát triển nguồn tin KH&CN trên quy mô quốc gia nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời và bảo đảm ngưỡng an toàn thông tin tri thức KH&CN trong nước và quốc tế phù hợp với chiến lược phát triển KH&CN trong từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; ii) Định hướng phát triển nguồn tin KH&CN đảm bảo bám sát Chiến lược phát triển KH&CN, tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học…
Để tiếp tục phát triển nguồn tin KH&CN, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp:
- Một là, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn doanh nghiệp, tài trợ, viện trợ và nguồn huy động hợp pháp khác để phát triển nguồn tin KH&CN.
- Hai là, thúc đẩy việc chia sẻ và khai thác các nguồn tin KH&CN.
- Ba là, nâng cao năng lực cho các tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin KH&CN; ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của Thư viện KH&CN quốc gia để trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước về hệ thống thông tin KH&CN.
- Bốn là, đẩy mạnh việc bổ sung, mua quyền truy cập các nguồn tin KH&CN của nước ngoài, cụ thể là bổ sung, mua quyền truy cập cho các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN những nguồn tin KH&CN cốt lõi của nước ngoài.
- Năm là, đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển các nguồn tin KH&CN trong nước (nguồn tin KH&CN nội sinh).
Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả ThS Đoàn Trọng Nghĩa - Sở Thông tin và truyền thông Ninh Bình.
Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam số 5 năm 2019 (trang 29-31)