Đa dạng loài và phân bố rong biển quần đảo Nam Du, Kiên Giang
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng đa dạng loài và phân bố của các loài rong biển tại vùng biển quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang.
Rong biển là nhóm thực vật bậc thấp sống ở biển, đây là một hợp phần quan trọng của tài nguyên biển. Các thảm rong biển có vai trò rất lớn đối với hệ sinh thái biển và với đời sống của con người. Ngoài giá trị về môi trường, sinh thái như tham gia vào chu trình dinh dưỡng của thủy vực, là nơi sống, nơi trú ẩn, kiếm ăn của nhiều loài sinh vật,… rong biển còn có giá trị rất lớn đối với các hoạt động sống của con người như cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến, làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh,… Mặt khác, do có sinh lượng lớn nên rong biển đã tạo ra nguồn vật chất hữu cơ khá lớn cho hệ sinh thái biển. Rong biển không chỉ cung cấp sản phẩm sơ cấp trực tiếp vào môi trường biển mà còn cung cấp vật bám cho các loài tảo bám bì sinh, một quần thể có năng suất sinh học rất cao. Với giá trị quan trong như vậy, nên các quốc gia có biển đều chú trọng, quan tâm nghiên cứu về rong biển.
Nam Du là một quần đảo trong vịnh Thái Lan, nằm dưới sự quản lý của xã đảo An Sơn và xã Nam Du, thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Toạ độ địa lý trung tâm: 9°41′8″ vĩ độ Bắc; 104°20′47″ kinh độ Đông, cách bờ biển Rạch Giá 90 km. Nam Du là quần đảo tiền tiêu nằm về phía Tây Nam của Tổ quốc, có vị trí địa lý vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng (nằm trên đường hàng hải quốc tế nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; khu vực rất giàu có nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, khí đốt,...). Tuy vậy, những hiểu biết về nguồn lợi sinh vật biển nói chung, nguồn lợi rong biển nói riêng tại quần đảo này còn chưa nhiều, các kết quả nghiên cứu còn rải rác, chưa có tính hệ thống, ít được biết đến.
- Phạm vi không gian: Là vùng biển quanh các đảo thuộc quần đảo Nam Du đến độ sâu khoảng 15 - 20 m nước trở vào, tập trung vào các khu vực rong biển phân bố.
- Phạm vi thời gian: Trong hai năm 2017 - 2018, triển khai hai chuyến khảo sát thực địa: Chuyến 1 từ ngày 29/7/2017 - 09/8/2017; chuyến 2 từ ngày 22/4/2018 - 03/5/2018.
- Đối tượng nghiên cứu: Tập trung nghiên cứu vào các loài rong biển có kích thước lớn (marine macroalgae) thuộc 4 ngành rong (Lam, Lục, Đỏ và Nâu).
Phương pháp nghiên cứu tổng quan: Sử dụng phương pháp kéo Manta tow để xác định tổng quan khu vực nghiên cứu, đánh giá nhanh về khu vực phân bố, diện tích phân bố, độ phủ, lựa chọn các trạm điều tra, khảo sát rong biển.
Trạm điều tra, khảo sát: Tổng số trạm khảo sát là 24 trạm/chuyến/năm x 2 năm. Tại mỗi trạm khảo sát đặt từ 1 - 2 dây mặt cắt chính dài 100 m. Đối với khu vực vùng triều, các mặt cắt rải vuông góc với đường bờ, đại diện cho khu vực triều cao, triều giữa và triều thấp. Đối với khu vực vùng dưới triều, các mặt cắt rải vuông góc với đường bờ, đại diện cho đới mặt bằng rạn, sườn dốc rạn và chân rạn.
Trong hai chuyến khảo sát từ ngày 29/7/2017 - 09/8/2017 và 22/4/2018 - 03/5/2018, sử dụng phương pháp điều tra thực địa lặn sâu có khí tài scuba, kết hợp với chụp ảnh, thu mẫu, định loại bằng phương pháp hình thái so sánh, kết quả nghiên cứu đã xác định được 96 loài rong biển thuộc 35 họ, 20 bộ của 4 ngành rong. Trong đó, ngành rong Đỏ (Rhodophyta) có số loài được xác định nhiều nhất với 44 loài; tiếp đến là ngành rong Lục (Chlorophyta) 25 loài; ngành rong Nâu (Phaeophyta) 23 loài; thấp nhất là ngành rong Lam (Cyanophyta) 4 loài. Kết quả nghiên cứu cũng ghi nhận được 43 loài rong biển kinh tế; 1 loài rong biển nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên bảo vệ. Khu hệ rong biển quần đảo Nam Du có tính nhiệt đới (P = 3,0); chỉ số tương đồng trung bình (S = 0,35). Rong biển thường phân bố tạo thành các dải hẹp ven bờ các đảo, với loài rong cùi bắp cạnh (Tubinaria decurrens) chiếm ưu thế, có tần suất xuất hiện cao, trên 95% tại các trạm khảo sát và trên 50% sinh lượng nguồn lợi rong
biển tại đây.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 55(4A): 71-81