Đa hình 24-bp Insertion-Deletetion và C2402T của gen Prolactin ở hai giống gà bản địa Việt Nam: Gà Ri Và Gà Mía
Nghiên cứu do hai tác giả Nguyễn Hoàng Thịnh và Nguyễn Thị Châu Giang thuộc Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Những năm gần đây, việc ứng dụng di truyền phân tử trong chọn lọc giống cải thiện một số tính năng sản xuất một số giống gà bản địa trên thế giới đã có những thành tựu nhất định. Trong công tác giống gia cầm đã có nhiều nghiên cứu đề cập đến đa hình và chọn lọc dựa vào các gen sinh sản nhằm cải thiện khả năng cho trứng của một số giống gà bản địa. Hiện nay, có nhiều marker phân tử liên quan đến các tính trạng sản xuất đã được sử dụng nhằm trợ giúp nâng cao kết quả chọn lọc tính trạng sản lượng trứng, giảm thời gian và số lần ấp của một giống gia cầm bản địa, trong đó có chỉ thị phân tử SNPs.
Khả năng đẻ trứng, thời gian và số lần ấp ở gia cầm được điều khiển bởi các gen trong trục sinh sản, trong đó có gen tổng hợp Prolactin là ảnh hưởng lớn nhất đến tính trạng này. Gen prolactin (định khu trên nhiễm sắc thể số 2, dài khoảng 8 kbp, có 5 exon) mã hóa tổng hợp hormone Prolactin (hormone polypeptit) và được tiết ra bởi tuyến yên, từ đó tác động đến thụ thể của hormone này để điều khiển khả năng đẻ trứng và tập tính ấp của gia cầm. Việc giảm hoặc loại bỏ tập tính ấp của gia cầm có thể đạt được bằng cách ức chế sự biểu hiện của gen prolactin hoặc ngăn cản sự tương tác của prolactin với thụ thể của nó.
Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)
Các giống gà bản địa Việt Nam thích nghi tốt với điều kiện nhiệt đới, chất lượng thịt, trứng thơm ngon nhưng có tốc độ sinh trưởng và năng suất trứng thấp nên khó cạnh tranh được với các giống gà công nghiệp năng suất cao dẫn đến số lượng giảm sút.
Đa hình 24-bp Insertion-Deletetion và C2402T của gen prolactin được xem là gen ứng cử để cải tiến năng suất trứng ở gia cầm. Nghiên cứu được tiến hành để xác định hai đa hình 24-bp Insertion-Deletetion và C2402T ở gà Ri và gà Mía.
Kết quả cho thấy ở hai quần thể nghiên cứu đa hình 24-bp Insertion-Deletetion xuất hiện 3 kiểu gen là: DD, ID và II. Trong đó kiểu gen II ở gà Ri và gà Mía có tần số xuất hiện thấp, tương đối như nhau (0,07) trong khi đó đối với kiểu gen DD ở gà Ri và Mía xuất hiện với tần số cao, lần lượt tương ứng 0,68 và 0,82. Đối với đa hình C2402T ở cả 2 quần thể đều xuất hiện 3 kiểu gen là: CC, CT và TT. Tần số kiểu gen TT ở cả hai giống xuất hiện với tần số cao lần lượt tương ứng là 0,64 và 0,84; kiểu gen CC ở cả hai giống gà Ri và gà Mía xuất hiện với tần số thấp tương ứng là 0,08 và 0,07.
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 4/2018