Ảnh hưởng của cỏ voi (Pennisetum Purpureum), xuyến chi (Bidens Pilosa), zuri (Brachiaria Ruziziensis), keo dậu (Leucaeana Leucocephala) trong khẩu phần đến thức ăn thu nhận, năng suất và chất lượng sữa dê Saanen
Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Hà Xuân Bộ, Nguyễn Thị Vinh và Đỗ Đức Lực thuộc Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.
Chăn nuôi dê đang được quan tâm và phát triển vì vốn đầu tư ban đầu thấp, dễ nuôi, sinh sản nhanh, thịt và sữa dê có hàm lượng dinh dưỡng cao. Ở nước ta, dê thường được nuôi theo hình thức chăn thả. Nguồn cung cấp thức ăn cho dê gần như phụ thuộc hoàn toàn vào cây cỏ tự nhiên. Chính vì vậy, nguồn thức ăn khó kiểm soát và việc mất cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt sự thiếu hụt protein trong khẩu phần thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của dê, đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến năng suất sữa dê.
Các loại cây thức ăn như cỏ voi, keo dậu, cỏ ruzi và xuyến chi là những loại cây thức ăn thường được dùng trong chăn nuôi dê nói chung và chăn nuôi dê sữa nói riêng. Keo dậu và xuyến chi thuộc nhóm cây thức ăn có hàm lượng protein cao, trong khi cỏ voi và ruzi thuộc nhóm cây thức ăn có hàm lượng xơ cao.
Nghiên cứu được tiến hành tại trại chăn nuôi dê của Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm đánh giá ảnh hưởng của cỏ voi (Pennisetum purpureum), xuyến chi (Bidens pilosa), ruzi (Brachiaria ruziziensis), keo dậu (Leucaeana leucocephala) trong khẩu phần đến thức ăn thu nhận, năng suất và thành phần hoá học của sữa dê Saanen. Thí nghiệm được thiết kế theo mô hình ô vuông la tinh 4 x 4 gồm có 4 con dê Saanen (chu kỳ tiết sữa thứ 4), 4 loại cây thức ăn và 4 giai đoạn.
Ảnh minh họa: sưu tầm (Nguồn: internet)
Kết quả cho thấy, lượng vật chất khô, protein thô, lipit và khoáng tổng số thu nhận có sự khác biệt rõ rệt giữa các loại cây thức ăn. Năng suất sữa/tuần và năng suất sữa/ngày của dê Saanen đạt cao nhất ở khẩu phần ăn keo dậu (16,13 và 2,31 lít) và thấp nhất ở khẩu phần ăn cỏ voi (7,28 và 1,04 lít). Tuy nhiên, tiêu tốn thức ăn cho sản xuất sữa có xu hướng ngược lại, thấp nhất ở khẩu phần ăn keo dậu (2,62 kg) và cao nhất ở khẩu phần ăn cỏ voi (7,42 kg). Vật chất khô, tỷ lệ mỡ sữa, tỷ lệ chất rắn không mỡ, protein, mật độ và điểm đông băng không có sự khác biệt giữa các loại cây thức ăn (P>0,05). Việc sử dụng keo dậu trong khẩu phần làm tăng lượng chất dinh dưỡng thu nhận, đồng thời cải thiện được năng suất sữa và làm giảm tiêu tốn thức ăn cho sản xuất sữa và không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về thành phần hoá học của sữa dê Saanen.
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam số 5/2018