Nghiên cứu biến động thành phần loài và sản lượng cá vùng hạ lưu sông Hậu
Nghiên cứu do tác giả Trần Đắc Định và Hồng Thị Hải Yến – Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm đánh giá biến động về thành phần loài và sản lượng cá vùng hạ lưu sông Hậu.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với hệ thống sông ngòi dày đặc cùng với nhiều loại hình thủy vực như sông, kênh rạch, cửa sông, rừng ngập mặn và bãi bồi ven biển,… tạo nên sự đa dạng và phong phú về nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các loài cá. Vùng hạ lưu là nơi có hệ sinh thái độc đáo và phức tạp nhưng giàu tài nguyên thiên nhiên, là bãi đẻ và sinh trưởng của nhiều loài giáp xác và cá.
Sóc Trăng là tỉnh ven biển với 72 km bờ biển và có 3 cửa sông lớn là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, trong đó Trần Đề là cửa sông lớn và có ý nghĩa sinh thái quan trọng. Đây là vùng có cấu trúc hệ sinh thái đa dạng của các khu rừng phòng hộ ven biển với tiềm năng rất lớn về khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên, các nghiên cứu về thành phần loài thủy sản và mức độ phong phú ở vùng cửa sông quan trọng này còn rất hạn chế; do đó nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá sự biến động của thành phần loài và mức độ phong phú để góp phần quản lý, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản vùng hạ lưu sông Hậu nói riêng và vùng ĐBCSL nói chung.
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 3/2017 đến 8/2017 dọc theo vùng hạ lưu sông Hậu. Mẫu được thu tại 6 điểm từ vùng cửa sông (xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) đến vùng nước ngọt quanh năm (Cái Cui, Quận Cái Răng, Tp. Cần Thơ) (Hình 1)
Mẫu cá được thu trực tiếp bằng lưới kéo tầng đáy. Kết quả khảo sát cho thấy có 84 loài cá thuộc 36 họ và 12 bộ được xác định. Trong đó bộ cá vược (Perciformes) có số lượng loài đa dạng nhất với 33 loài chiếm 39%, kế đến là bộ cá da trơn (Siluriformes) với 14 loài chiếm 17% và bộ cá chép (Cypriniformes) với 10 loài chiếm 12%. Độ mặn có ảnh hưởng đến sự xuất hiện thành phần loài cá. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sản lượng trên một đơn vị khai thác (CPUE) tương đối thấp và có sự biến động qua các điểm thu mẫu cũng như giữa các tháng trong năm. CPUE có xu hướng tăng dần từ vùng ngọt (1.075±750 g/ha) đến vùng cửa sông (1.795±1.578 g/ha). CPUE thấp nhất vào Tháng 4 với 684±366 g/ha và cao nhất vào Tháng 8 với
2.535±2.510 g/ha.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 2019