Tập tính di cư của cá Kèo (Pseudapocryptes Elongatus) phân bố ở khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long
Ngiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả Trần Đắc Định, Võ Thành Toàn và Trần Thị Thanh Lý. Cá kèo (Pseudapocryptes elongatus) thuộc họ Gobiidae, cá phân bố chủ yếu ở khu vực châu Á, đặc biệt phong phú ở vùng ven biển các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chúng có tập tính làm hang trên các bãi bồi và di cư ra biển theo thủy triều.
Từ lâu cá kèo là một trong những đối tượng khai thác có sản lượng cao của nghề lưới đáy ở vùng ven biển ĐBSCL. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nguồn lợi cá kèo giảm đi một cách đáng kể đối với cá kèo giống để cung cấp cho nghề nuôi, cũng như đối với cá kèo thương phẩm. Cá kèo giống được thu bằng lưới đáy mùng khi con nước thủy triều lên; trong khi cá kèo thương phẩm được khai thác bằng nghề lưới đáy vào con nước thủy triều xuống, khi chúng di cư ra biển. Cá kèo là đối tượng có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng phát triển thành một trong những đối tượng nuôi lợ quan trọng, do đó ở trong nước đã có một số công trình nghiên cứu về cá kèo như nghiên cứu về một số đặc điểm sinh học; khảo sát sự xuất hiện giống ở vùng bãi bồi tỉnh Cà Mau; thực nghiệm nuôi cá kèo thương phẩm trong ao đất; nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá kèo; nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ nuôi lên sinh trưởng-năng suất và hiệu quả kinh tế của cá kèo nuôi trên bể và trong ao đất; nghiên cứu vòng đời, hiện trạng khai thác và nuôi cá kèo; khảo sát nguồn lợi và mức độ khai thác cá kèo giống ở vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Các nghiên cứu này đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về vòng đời, phân bố, đặc điểm sinh học sinh sản, hiện trạng khai thác và mô hình nuôi. Ở ngoài nước, các công trình nghiên cứu về loài P. elongatus rất hạn chế, chủ yếu tập trung về phân bố và sinh thái. Tuy nhiên, sự hiểu biết về tập tính di cư của cá kèo vẫn còn hạn chế. Do đó, nghiên cứu này nhằm xác định kích cỡ và mùa vụ di cư của cá kèo qua đó bổ sung dẫn liệu khoa học về tập tính cũng như vòng đời của cá kèo phân bố ở ĐBSCL.
Nghiên cứu tập tính di cư của cá kèo (Pseudapocryptes elongatus) được tiến hành ở vùng ven biển thuộc tỉnh Bạc Liêu trong thời gian một năm tròn, từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2009. Số lượng di cư của cá kèo được xác định dựa vào sản lượng (số cá thể) và thời gian khai thác (giờ) của nghề lưới đáy, thông qua sản lượng trên một đơn vị khai thác, CPUE (số cá thể/miệng lưới đáy/giờ).
Kết quả cho thấy cá kèo theo thủy triều di cư ra biển nhiều nhất vào tháng giêng và tháng hai; ngược lại, vào các từ tháng 10 đến tháng 12 có số lượng di cư ít nhất. Cá kèo di cư ra biển mỗi tháng 2 lần tương ứng với 2 thời kỳ triều lên trong tháng là con nước rằm (15 âl) và con nước rong (30 âl), trong đó cá di cư với số lượng lớn và thường xuyên hơn trong thời kỳ con nước rong (30 âl). Về kích cở, chúng bắt đầu di cư ở chiều dài (SL) 116,1 mm và chúng di cư nhiều nhất khi đạt chiều dài SL=147,8 mm. Hầu hết cá di cư đều chưa đến giai đoạn thành thục sinh dục. Mặc dù nhiệt độ nước biến động không lớn giữa các tháng. Tuy nhiên, kết quả cho thấy cá di cư
nhiều nhất hơn khi nhiệt độ thấp; ngược lại, cá di cư ít khi nhiệt độ cao hơn. Kết quả
cũng cho thấy cá kèo di cư nhiều hơn vào thời điểm khi mà các yếu tố sinh thái như độ mặn, lưu tốc dòng chảy và biên độ thủy triều cao hơn.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 2019