SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát sự đa dạng di truyền của sâu kéo màng (Hellula undalis) gây hại rau cải tại Đồng bằng sông Cửu Long bằng dấu phân tử ISSR

[17/11/2019 12:14]

Sâu kéo màng (SKM) hiện là một trong những côn trùng gây hại nghiêm trọng trên cây rau cải họ Brassicaceae ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Do đó, việc khảo sát sự đa dạng di truyền của quần thể SKM rất quan trọng nhằm làm cơ sở cho việc nghiên cứu biện pháp quản lý dịch hại này hiệu quả.

Ảnh: Internet

Rau cải thuộc họ Brassicaceae là loại rau ăn lá dễ trồng, nhanh thu hoạch, được canh tác phổ biến quanh năm trên hầu hết các loại đất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, sản xuất rau cải gặp nhiều khó khăn do nhiều loại sâu gây hại như sâu kéo màng, sâu tơ, sâu khoang, bọ nhảy...(Hồ Thị Thu Giang, 2005; Trần Đăng Hòa và ctv., 2013).Sâu kéo màng (H. undalisFabricius) là dịch hại quan trọng trên cây họ Thập tự (Brassicaceae), phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới (Waterhouse & Norris, 1989) và cũng được ghi nhận ở các nước ôn đới (Kalbfleisch, 2006). Ngài H. undalis đẻ trứng trên đọt cải non, sâu non nở ra tấn công vào gần đỉnh sinh trưởng làm hư chồi ngọn của cây (Veenakumariet al., 1995; Sivapragasam & Chua, 1997), đã bùng phát thành dịch và gây thiệt hại lên đến 100% năng suất ở Hawaii, Ấn Độ, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Ai Cập, Iraq và Nhật Bản (Kalbfleisch, 2006). Kết quả khảo sát của Tạ Thị Huỳnh Đào và Nguyễn Văn Huỳnh (2008) cho thấy H. undalis tấn công được 11 loài cải khác nhau thuộc họ Brassicaceaevà 95% nông dân trồng cải ở các huyện Mỹ Xuyên và Kế Sách (Sóc Trăng) sử dụng thuốc trừ sâu hóa học để phòng trị sâu kéo màng. Tuy nhiên, chỉ có 45% nông dân được phỏng vấn cho rằng biện pháp phun thuốc hóa học là có hiệu quả, do sâu ẩn bên trong ổ bằng tơ khó thấm nước. Các nghiên cứu di truyền quần thể là rất quan trọng bởi vì sự biến đổi gene của một loài có liên quan trực tiếp với khả năng chịu được các điều kiện khác nhauở môi trường mới (Barbosa et al., 2014; Zaleski et al., 2013). Trong những năm gần đây, chỉ thị phân tử ISSR (Inter-Simple Sequence Repeats) đã được sử dụng để nghiên cứu sự đa dạng di truyền cho nhiều sinh vật. ISSR là một loại chỉ thị phân tử sử dụng các đoạn trình tự đơn giản (2-5 nucleotide) được lặp lại nhiều lần. Phương pháp này tương đối đơn giản, dễ thực hiện, chi phí thấp, và phù hợp cho sinh vật có thông tin di truyền còn chưa đầy đủ (Ng và Tan, 2015). Luque và cộng tác viên(2002) đã chứng minh ISSR phù hợp để nghiên cứu sự biến đổi di truyền trong cùng loài và khác loài trong các nhóm côn trùng. Chỉ thị phân tử ISSR đã được sử dụng khá phổ biến trong nghiên cứu đa dạng di truyền ở côn trùng như bộ Lepidoptera (Luque et al., 2002), Diptera (Chong et al., 2014), Hemiptera (Xie et al., 2014), Neuroptera (Barbosa et al., 2014), Coleoptera (Souza et al., 2015). Để làm cơ sở cho việc nghiên cứu biện pháp quản lý sâu kéo màng trên các loại rau cải, nghiên cứu đánh giá sự đa dạng di truyền của loài H. undalisđược thu thập tại 13 tỉnh thuộc ĐBSCL đã được thực hiện.

Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Thanh Thi (Trường Đại học Cửu Long), Lê Văn Vàng và Nguyễn Lộc Hiền (Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện từ tháng 6/2016 - 2/2017 tại phòng thí nghiệm sinh học phân tử Bộ môn Di truyền và chọn giống cây trồng - Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ và Công ty cổ phần Sinh học Phù Sa.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: sự đa dạng di truyền dựa trên chỉ thị phân tử ISSR trong nghiên cứu này đã cho thấy quần thể sâu kéo màng, SKM thu thập từ 13 tỉnh thuộc ĐBSCL được chia thành 4 nhóm chính dựa theo sơ đồ phả hệ, nhóm I sâu thu trên cải xanh; nhóm II sâu thu trên cải ngọt và cải tùa xại; nhóm III sâu thu trên cải thìa và nhóm IV sâu thu trên cải bắp. Mối liên hệ đó phụ thuộc vào loại cây ký chủ và điều kiện sinh thái. Để có thể giúp nghiên cứu sâu hơn về biện pháp quản lý đối tượng sâu hại này trên cây rau cải cũng cần thiết phân tích cấu trúc di truyền của các quần th ể sâu kéo màng.

Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam - Số 02/2018
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ