Nghiên cứu sản xuất than sinh học từ rác thải sinh hoạt dễ phân hủy và phế phẩm nông nghiệp
Nghiên cứu do nhóm tác giả Võ Thị Dao Chi, Lê Nguyên Cẩn, Lê Thanh Phong , Nguyễn Trung Thành, Võ Đan Thanh - Trường Đại học An Giang và Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh An Giang thực hiện nhằm góp phần giảm thiểu nguồn rác thải sinh hoạt tại các bãi đổ, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường; giải quyết lượng sinh khối nông nghiệp và tăng giá trị sử dụng cho sinh khối này.
Ảnh minh họa: Internet
Than sinh học là một dạng của năng lượng sinh khối. Than sinh học được tạo ra từ quá trình nhiệt phân yếm khí nguyên liệu có nguồn gốc sinh khối (gỗ, thân, cành, lá và phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ). Trong nông nghiệp, than sinh học được dùng để cải tạo chất đất, giữ nước trong đất. Nó còn được dùng để tăng nhiệt độ trong đất, thúc đẩy sự nảy mầm của hạt, nâng cao hiệu suất nảy mầm. Trong sinh hoạt con người, than sinh học được ứng dụng làm nhiên liệu đốt thay cho than đá, dầu mỏ đang có nguy cơ cạn kiệt hay làm vật liệu xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, nước nhiễm kim loại nặng... (Mai Văn Tịnh & cs., 2011).
An Giang là một trong những tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với tổng lượng rơm ước tính trên toàn tỉnh An Giang khoảng 2 triệu tấn/ năm (Nguyễn Vân Hà & cs., 2015). Hiện nay, người nông dân đã tận dụng rơm để tăng thu nhập như trồng nấm, nuôi bò, hoặc bán cho người khác. Tuy nhiên, các hình thức xử lý rơm trên ruộng thay đổi tùy theo mùa vụ. Mặt khác, An Giang cũng được xem là một tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao. Do đó, rác thải sinh hoạt từ các đô thị lớn cũng rất nhiều. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về các vấn đề liên quan đến chất thải rắn còn nhiều hạn chế, thiếu ý thức tự giác trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nên hiện tượng đổ rác bừa bãi (đổ rác ra đường, các khu đất trống, ao hồ, kênh rạch…) còn diễn ra khá phổ biến. Chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy là nguồn nguyên liệu dồi dào và đầy hứa hẹn cho sản xuất than sinh học để phục vụ cuộc sống.
Nghiên cứu thử nghiệm đã chỉ ra rằng cả hai vật liệu rác thải sinh hoạt hữu cơ dễ phân hủy và rơm đều có khả năng là nguồn nguyên liệu để tạo ra than sinh học có hàm lượng dao động từ 28% - 35%. Nhiệt lượng của than sinh học từ rơm (16 MJ/kg - 16.8 MJ/kg) cao hơn nhiệt lượng than sinh học làm từ rác thải sinh hoạt dễ phân hủy (14.8 MJ/kg - 15.2 MJ/kg) do độ tro từ than sinh học rơm (1,97%) thấp hơn độ tro của than sinh học rác thải sinh hoạt hữu cơ dễ phân hủy. Kết quả nhiệt lượng trong khoảng từ 14.8 MJ/kg - 16.8 MJ/kg có thể cho thấy rằng, than sinh học từ hai vật liệu này có thể làm nguồn năng lượng (Arkham Wahid el al., 2016). Hàm lượng lưu huỳnh hầu như không phát hiện ở than sinh học rơm và hiện diện với lượng rất nhỏ (0,0668%) trong than sinh học rác thải sinh hoạt dễ phân hủy.