Đáp ứng miễn dịch của cá rô phi (oreochromisniloticus) chủng vắc-xin stretococcus agalactiae bất hoạt
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Hoàng Nhật Uyên và Đặng Thị Hoàng Oanh đang công tác tại Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ,Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Cá rô phi (Oreochromis niloticus) là đối tượng nuôi thủy sản quan trọng ở nước ta. Khi nghề nuôi cá rô phi phát triển theo hướng thâm canh hóa thì bệnh ở cá rô phi xảy ra thường xuyên và gây thiệt hại nhiều hơn cho người nuôi. Trong số các bệnh thường gặp ở cá rô phi, bệnh phù mắt và xuất huyết do liên cầu khuần Stretococcus agalactiae là bệnh gây tỷ lệ chết cao, trung bình là 42,6% và có thể đến 100% (Phạm Hồng Quân và ctv., 2013).
Ảnh minh họa: Internet
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định hiệu lực của vắc xin Streptococcus agalactiae bất hoạt trên cá rô phi (Oreochromis niloticus). Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần, gồm 1 nghiệm thức đối chứng và 3 nghiệm thức tiêm vắc xin bất hoạt với thể tích tiêm lần lượt là 0,05 ml; 0,1 ml và 0,2 ml/cá. Sau 3 tuần tiêm vắc xin, cá được cảm nhiễm với vi khuẩn S. agalactiae và theo dõi trong 3 tuần sau cảm nhiễm để xác định chỉ số bảo hộ (RPS%). Mẫu máu cá được thu định kỳ mỗi tuần/lần để phân tích các chỉ tiêu huyết học và hàm lượng kháng thể đặc hiệu.
Kết quả ghi nhận là vắc xin S. agalactiae bất hoạt có khả năng kích thích miễn dịch ở cá rô phi và kéo dài ít nhất đến 4 tuần sau khi tiêm vắc xin. Các chỉ tiêu huyết học và hiệu giá kháng thể trung bình ở cá tiêm vắc xin tăng có ý nghĩa thống kê (P<0,05) so với cá không tiêm vắc xin. Chỉ số bảo hộ của vắc xin là 80,1% ở nghiệm thức tiêm 0,05 ml vắc xin/cá và 88,1% ở 2 nghiệm thức tiêm 0,1 ml và 0,2 ml vắc xin/cá.