FinTech trong hệ sinh thái khởi nghiệp - Những yếu tố quyết định và hàm ý cho Việt Nam
Sự nổi lên của làn sóng phát kiến công nghệ tài chính (FinTech) gắn liền với nhu cầu đổi mới ngành dịch vụ tài chính, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Cụ thể, làn sóng đầu tiên đánh dấu tham vọng của các công ty khởi nghiệp FinTech nhằm đối đầu cạnh tranh với các tổ chức tài chính - ngân hàng truyền thống. Qua đó, các tổ chức truyền thống bắt đầu nhận thức và tìm những phương cách khác nhau để ứng phó với “sự phá bĩnh” này. Làn sóng thứ hai, đang diễn ra hiện nay, hướng đến một hệ sinh thái tích hợp trên nền tảng cạnh tranh hợp tác giữa hệ thống tài chính cũ với các công ty công nghệ. Sự thành công của hệ sinh thái khởi nghiệp FinTech trong nền kinh tế số phải gắn liền với sự lan tỏa tiếp nhận FinTech trên mọi phương diện. Bài viết đánh giá và phân tích các khía cạnh đó với các hàm ý thiết thực cho Việt Nam trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp hiện nay.
Những yếu tố ảnh hướng đến lan tỏa khởi nghiệp FinTech
Hiệu ứng biên của sự gia tăng tiếp nhận FinTech sẽ mạnh mẽ ở các nền kinh tế đang phát triển. Ngoài ra, mức độ phát triển tài chính cũng gắn liền với khả năng hấp thụ công nghệ và thu hút nhân lực. Đây là những nhân tố then chốt cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp FinTech, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số.
Đặc biệt, thể chế là yếu tố đóng vai trò tạo ra khuôn khổ môi trường thúc đẩy hoặc hạn chế sự lan tỏa FinTech.
Hàm ý cho Việt Nam
Những cơ hội
Sự ra đời và cạnh tranh giữa nhóm công ty khởi nghiệp FinTech “những kẻ phá bĩnh sáng tạo” và các ngân hàng/tổ chức tài chính truyền thống sẽ dẫn tới xu hướng lâu dài vẫn là sự hợp tác (hay quan hệ đối tác) đôi bên cùng có lợi (winwin) mang lợi ích và trải nghiệm tốt nhất cho người dùng dịch vụ tài chính/ngân hàng. Dựa vào tiềm lực tài chính lớn mạnh của mình, các ngân hàng hiện nay có lẽ chưa có lý do để lo ngại trước làn sóng khởi nghiệp FinTech vốn còn quy mô nhỏ ở Việt Nam.
Các nhà làm chính sách cần lan tỏa tiếp nhận FinTech trên quy mô cả nước dưới nhiều phương tiện, đặc biệt nhằm vào đối tượng thế hệ trẻ (thế hệ Y và Z). Chẳng hạn, các phương tiện truyền thông như truyền hình, báo chí, và các phương tiện truyền thông xã hội có thể tăng tần suất và mật độ các câu chuyện và đề tài về hệ sinh thái FinTech.
Những thách thức
Một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam là khả năng nắm bắt và theo kịp tốc độ đổi mới của toàn cầu. Xu hướng bên ngoài hiện nay là thiết lập nền kinh tế tích hợp sẻ chia - ví dụ, đó là một hệ thống kết nối các tổ chức dịch vụ tài chính hiện hành với các công ty FinTech thông qua Giao diện lập trình ứng dụng (API). Ngoài ra, trong xu hướng dòng chảy thông tin không biên giới như hiện nay có một dòng chảy mới: dòng chảy nguồn nhân lực (trong khuynh hướng di dân). Rõ ràng, bối cảnh hiện tại đặt ra bài toán đau đầu cho các nhà hoạch định về hiện tượng “chảy máu chất xám”, làm sao giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các tài năng công nghệ.
Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả Lucy Cameron 1 - tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang australia (csiro); Tạ Việt Dũng , Nguyễn Đức Hoàng - cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN.
Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam số 05 năm 2019 (trang 25-28)