Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước phục vụ sản xuất và xây dựng nông thôn mới
Các kết quả của Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ xây dựng nông thôn mới đã đóng góp thiết thực cho hoạt động xây dựng nông thôn mới nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong cả nước nói chung. Bài viết giới thiệu một số kết quả tiêu biểu của Chương trình trong việc nâng cao hiệu quả khai thác, tiết kiệm tài nguyên nước, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất bền vững…
Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2012, đến nay (2019) đã qua hai giai đoạn. Giai đoạn I (2011-2015) được phê duyệt tại Quyết định số 27/QĐ-TTg ngày 5/1/2012. Giai đoạn II (2016-2020) được phê duyệt tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 12/1/2017. Đây là Chương trình KH&CN tổng hợp, liên ngành trực tiếp phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cũng là nơi tập hợp nguồn lực KH&CN cả nước phục vụ triển khai Nghị quyết 26- NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đề tài “Nghiên cứu áp dụng công nghệ mới để xây dựng mô hình kết cấu hạ tầng trong các ô thủy lợi tại tỉnh Cà Mau” do Viện Thủy công chủ trì. Trong những năm qua, tỉnh Cà Mau ưu tiên phát triển canh tác theo mô hình tôm - lúa. Đây là mô hình sinh thái, đa canh kết hợp, giúp cây lúa và con tôm ít bị bệnh hơn so với sản xuất độc canh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm của đề tài có thể áp dụng rộng rãi cho ô thủy lợi ở Cà Mau nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, vì vậy, các công nghệ này cần sớm được ứng dụng rộng rãi trong các ô thủy lợi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp KH&CN nhằm nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi ven biển Bắc Bộ” do Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) chủ trì đã đề xuất các giải pháp quy hoạch, thiết kế, thi công và công tác quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, giúp hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, tiến tới hiện đại hóa, phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và hiện đại.
Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời lọc nước biển, nước lợ thành nước ngọt để cấp nước sinh hoạt phục vụ xây dựng nông thôn mới ở xã bãi ngang và hải đảo vùng ven biển Bắc và Bắc Trung Bộ” do Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo chủ trì đã hoàn thiện công nghệ chế tạo hệ thống chưng cất nước mặn, nước lợ thành nước ngọt; xây dựng thành công 2 mô hình trình diễn tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định và huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với công suất 5-7 lít nước ngọt/m2/ngày.
Để có một mô hình mẫu trong việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, dự án “Xây dựng mô hình cơ sở hạ tầng thủy lợi mặt ruộng kết hợp cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả, bền vững, đạt tiêu chí về thủy lợi tại xã điểm nông thôn mới Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ” đã được triển khai.
Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả GS Nguyễn Tuấn Anh, TSKH Bạch Quốc Khang - Ban chủ nhiệm chương trình kh&cn phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam số 05 năm 2019 (trang 32-34)