SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của bã cà phê tươi lên sinh trưởng, năng suất một số cây trồng và đặc tính sinh học đất xám bạc màu từ huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An trong điều kiện nhà lưới

[09/12/2019 10:25]

Nghiên cứu do tác giả Nguyễn Khởi Nghĩa và Nguyễn Thị Thu Hà - Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của bã cà phê tươi lên sinh trưởng, năng suất bắp, đậu nành, lúa và đặc tính sinh học đất trong nhà lưới.

Ảnh minh họa: Internet

Sự phát triển về kinh tế kéo theo nhu cầu về nông sản sạch và an toàn ngày càng tăng. Do đó, xu hướng sản xuất hữu cơ đang ngày càng phát triển, đặc biệt đối với cây lương thực như cây bắp và cây lúa. Bên cạnh đó, cây đậu nành cũng có vai trò không kém phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, năng suất và chất lượng còn hạn chế trong tình trạng lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hiện nay. Cà phê là một loại thức uống phổ biến ở nhiều quốc gia,. Với 500.000 ha đất trồng cà phê, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê thứ 2 trên thế giới (Tam Thanh Tran, 2013). Hằng ngày một lượng lớn bã cà phê được thải ra từ các công ty chế biến cà phê hòa tan, nhà hàng, quán cà phê và hộ gia đình. Trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 6,6 triệu tấn cà phê được tiêu thụ và thải ra ngoài như là chất thải (Pelupessy, 2003). Mặc dù bã cà phê là một dạng phế phẩm sau khi chế biến, tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng trong bã cà phê hoàn toàn có thể tái sử dụng thành phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Hiện nay, việc tận dụng nguồn phụ phế phẩm làm phân bón hữu cơ trong canh tác nông nghiệp cũng đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà khoa học. Nhiều nghiên cứu về vai trò và ảnh hưởng của các dạng phân hữu cơ lên sinh trưởng, năng suất cây trồng và đặc tính đất đã được thực hiện nhưng các nghiên cứu về bã cà phê vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá ảnh hưởng của bã cà phê lên sinh trưởng, năng suất bắp - đậu nành - lúa và đặc tính sinh học đất trong điều kiện nhà lưới.

Việc trộn bã cà phê tươi ở các mức độ 2, 4, 6, 8 và 10% (w/w, trọng lượng đất khô trong chậu) vào trong đất xám bạc màu có nguồn gốc từ huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An một lần vào thời điểm đầu vụ 1 trong mô hình luân canh bắp-đậu nành-lúa làm ức chế sinh trưởng, phát triển và năng suất bắp ở vụ 1 nhưng lại có tác dụng gia tăng sinh trưởng, phát triển và năng suất đậu nành ở vụ 2 và lúa ở vụ 3. Việc ức chế sinh trưởng và năng suất bắp ở vụ 1 có liên quan nhiều đến việc ngộ độc với một số hợp chất hữu cơ chứa trong bã cà phê hơn là việc bất động đạm trong đất, tuy nhiên, cơ chế của việc ngộ độc này chưa rõ, do đó, cần có nghiên cứu để làm sáng tỏ vấn đề này. Việc bón bã cà phê tươi vào trong đất giúp gia tăng mật số vi khuẩn, nấm và vi khuẩn có lợi trong đất như vi khuẩn cố định đạm và vi khuẩn hòa tan lân. Ngoài ra, việc bón bã cà phê tươi ở mức 6 và 10% (w/w) giúp gia tăng đa dạng cấu trúc hệ vi khuẩn trong đất. Nên nghiên cứu về thời gian ủ phân compost để loại bỏ các hợp chất hữu cơ gây ngộ độc cho cây trồng. Kết quả nghiên cứu này cho thấy rằng không nên sử dụng bã cà phê tươi bón như dạng phân hữu cơ để bón cho cây bắp ở vụ đầu tiên.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ