Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng của các hộ trồng ca cao xen trong vườn dừa khi giá ca cao biến động ở tỉnh Tiền Giang.
Nghiên cứu do các tác giả Ngô Đình Thành Thanh, Phạm Thị Ánh Ngọc và Đặng Thanh Hà đang công tác tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang và Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Cây ca cao có nguồn gốc từ Nam Mỹ và được trồng ở đây hơn 500 năm trước. Cây thường sinh trưởng tốt dưới bóng râm, do đó có thể trồng xen trong vườn dừa hay vườn cây ăn trái có tán lá thưa (Phạm Hồng Đức Phước, 2009). Trồng ca cao xen dưới tán dừa được kỳ vọng là sẽ góp phần gia tăng thu nhập cho nông hộ (Ha và Shively, 2005). Chính vì điều đó, Chính phủ đã có những chương trình phát triển ca cao trồng dưới tán dừa ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và dưới tán cây điều ở một số tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2012). Tiền Giang là một trong những tỉnh ở vùng ĐBSCL có diện tích trồng cây lâu năm khá lớn. Năm 2017 diện tích cây ăn trái của tỉnh là 74.935 ha và 17.340 ha dừa, vì thế có nhiều thuận lợi trong việc tận dụng diện tích này để trồng xen với cây ca cao để tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác.
Ảnh minh họa: Internet
Chương trình phát triển ca cao trồng dưới tán dừa được kỳ vọng sẽ góp phần gia tăng thu nhập cho nông hộ tại tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nông dân gặp không ít khó khăn như dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn, năng suất thấp, giá ca cao biến động, đã không khuyến khích nông dân tiếp tục trồng ca cao. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng của nông dân trồng ca cao trong bối cảnh giá ca cao biến động tại tỉnh Tiền Giang, sử dụng mô hình hồi quy logit đa thức. Nghiên cứu được thực hiện thông qua phỏng vấn 212 hộ nông dân trồng ca cao ở ba huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây và Tân Phú Đông. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các hộ trồng ca cao có 03 phản ứng chính trong bối cảnh giá ca cao biến động là vẫn tiếp tục duy trì, chặt bỏ một phần và chặt bỏ hoàn toàn diện tích ca cao của họ. Các yếu tố tác động lớn đến các phản ứng của nông dân gồm tỷ lệ đóng góp thu nhập từ ca cao trong tổng thu nhập từ nông nghiệp của hộ, diện tích trồng dừa của hộ, kỳ vọng về giá bán ca cao tăng, số lao động của hộ và sâu bệnh, thú hoang gây hại.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 55, Số 4B (2019): 27-34