SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đa dạng loài và phân bố rong biển quần đảo Nam Du, Kiên Giang.

[22/12/2019 22:16]

Nghiên cứu do các tác giả Đỗ Anh Duy, Đinh Thanh Đạt và Đàm Đức Tiến đang công tác tại Phòng Nghiên cứu Bảo tồn biển, Viện Nghiên cứu Hải sản, Phòng Sinh thái và Tài nguyên Thực vật biển, Viện Tài nguyên và Môi trường biển thực hiện.

Rong biển là nhóm thực vật bậc thấp sống ở biển, đây là một hợp phần quan trọng của tài nguyên biển. Các thảm rong biển có vai trò rất lớn đối với hệ sinh thái biển và với đời  sống của con người. Ngoài giá trị về môi trường, sinh thái như tham gia vào chu trình dinh dưỡng của thủy vực, là nơi sống, nơi trú ẩn, kiếm ăn của nhiều loài sinh vật (nhất là thời kỳ con non),… rong biển còn có giá trị rất lớn đối với các hoạt động sống của con người như cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến (chiết xuất keo agar, alginate, carrageenan,…), làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh,… Mặt khác, do có  sinh lượng lớn nên rong biển đã tạo ra nguồn vật chất hữu cơ khá lớn cho hệ sinh thái biển. Rong biển không chỉ cung cấp sản phẩm sơ cấp trực tiếp vào môi trường biển mà còn cung cấp vật bám cho các loài tảo bám bì sinh, một quần thể có năng suất sinh học
rất cao.

Ảnh minh họa: Internet

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng đa dạng loài và phân bố của các loài rong biển tại vùng biển quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang. Trong hai  chuyến khảo sát từ ngày 29/7/2017 - 09/8/2017 và 22/4/2018 - 03/5/2018, sử dụng  phương pháp điều tra thực địa lặn sâu có khí tài scuba, kết hợp với chụp ảnh, thu mẫu, định loại bằng phương pháp hình thái so sánh, kết quả nghiên cứu đã xác định được 96 loài rong biển thuộc 35 họ, 20 bộ của 4 ngành rong. Trong đó, ngành rong Đỏ (Rhodophyta) có số loài được xác định nhiều nhất với 44 loài; tiếp đến là ngành rong Lục (Chlorophyta) 25 loài; ngành rong Nâu (Phaeophyta) 23mloài; thấp nhất là ngành rong Lam (Cyanophyta) 4 loài.

Kết quả nghiên cứu cũng ghi nhận được 43 loài rong biển kinh tế; 1 loài rong biển nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên bảo vệ. Khu hệ rong biển quần đảo Nam Du có tính nhiệt đới (P = 3,0); chỉ số tương đồng trung bình (S = 0,35). Rong biển thường phân bố tạo thành các dải hẹp ven bờ các đảo, với loài rong cùi bắp cạnh  (Tubinaria decurrens) chiếm ưu thế, có tần suất xuất hiện cao, trên 95% tại các trạm khảo sát và trên 50% sinh lượng nguồn lợi rong biển tại đây.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 55, Số 4A (2019): 71-81
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ