SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu nuôi cá kèo (pseudapocryptes elongatus) trong bể với các mật độ khác nhau theo công nghệ biofloc

[22/12/2019 22:32]

Nghiên cứu do các tác giả Lê Quốc Việt, Trần Minh Phú, Lê Văn Thông và Trần Ngọc Hải đang công tác tại Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Cá kèo (Pseudapocryptes elongatus, Cuvier 1816) là một trong những loài thủy sản có giá trị kinh tế được nuôi phổ biến ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, ... Theo Trần Ngọc Hải và Nguyễn Tấn Nhơn (2009), trung bình mật độ nuôi cá kèo ở ĐBSCL là 81 con/m2. Trong những năm gần đây, việc nuôi thương phẩm cá kèo được quan tâm nghiên cứu với các hình thức khác nhau như: Thực nghiệm nuôi cá kèo trong ao đất ở tỉnh Bến Tre với mật độ 10 và 20 con/m2 (Dương Nhựt Long và ctv., 2005); nuôi cá kèo trong bể tuần hoàn với các mật độ 50, 150 và 250 con/m2 (Nguyễn Thị Ngọc Anh và ctv., 2010a), và nuôi luân canh trong ao tôm sú với các mật độ là 40, 70 và 120 con/m2 (Nguyễn Thị Ngọc Anh và ctv, 2010b). Trong những năm gần đây, cá kèo chủ yếu được nuôi luân canh trong các ao nuôi tôm với mật độ dao động từ 50 – 150 con/m2 và năng suất đạt trung bình 14,4 tấn/ha/vụ (Trần Thị Bé, 2016). Các  nghiên cứu trên cho thấy, mật độ nuôi có xu hướng ngày càng cao nên năng suất cá nuôi cũng tăng lên. Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng mật độ nuôi, đồng nghĩa với khả năng gây ô nhiễm môi trường nuôi ngày càng cao, do đó việc nghiên cứu ảnh hưởng các tác nhân sinh học đến kỹ thuật nuôi cá kèo là xu hướng tích cực góp phần ổn định môi trường và hạn chế dịch bệnh trong ao nuôi.

Ảnh minh họa: Internet

Nghiên cứu nuôi cá kèo trong bể với mật độ khác nhau nhằm xác định mật độ nuôi thích hợp cho sự sinh trưởng và tỷ lệ sống của cá kèo được nuôi theo công nghệ biofloc. Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức mật độ khác nhau (100, 200, 300 và 400 con/m3) và mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Bể nuôi có thể tích 0,5 m3 (chứa 0,35 m3 nước), độ mặn 15o/oo và cá được nuôi theo công nghệ biofloc (C:N =15:1). Cá có khối lượng và chiều dài ban đầu lần lượt là 2,07±0,40 g, 8,17±0,36 cm. Sau 56 ngày nuôi, chiều dài và khối lượng của cá nuôi ở mật độ 100 và 200 con/m3 lớn hơn, hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) nhỏ hơn và khác biệt có ý nghĩa thống kê so với  với mật độ nuôi 300 và 400 con/m3(p<0,05). Tỷ lệ sống của cá ở nghiệm thức mật độ 200 con/m3 đạt cao nhất (91,0%), khác biệt không có ý nghĩa so với các nghiệm thức còn lại (p>0,05). Sinh khối cá thu được ở mật độ 200 con/m3 là 2,6 kg/m3, khác biệt không ý nghĩa so với mật độ 300 và 400 con/m3, nhưng cao hơn có ý nghĩa so với mật độ 100 con/m3 (1,3 kg/m3). Tóm lại, nuôi cá kèo theo công nghệ biofloc với mật độ 200 con/m3 trong bể là phù hợp nhất.

Tập 55, Số 4B (2019): 97-104
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ