Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ đông xuân tại vùng sinh thái nông nghiệp ven biển tây Đồng bằng sông Cửu Long
Nghiên cứu do các tác giả Võ Thành Danh, Lê Thanh Sang và Võ Đoàn Mỹ Linh đang công tác tại Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm về sản xuất lúa. Hiện nay, ĐBSCL đang chịu những tổn thất do biến đổi khí hậu (BĐKH) nói chung và xâm nhập mặn (XNM) nói riêng, XNM đã xuất hiện ở nhiều vùng ven biển ĐBSCL. Đặc biệt, vùng ven biển Tây (VBT) ở ĐBSCL được nhận định là một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và nước biển dâng, do đặc thù điều kiện tự nhiên có phần lớn diện tích tiếp giáp biển. Hậu quả tất yếu là hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng tại đây đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Năng suất lúa giảm do bị nhiễm mặn, phèn; dịch bệnh, hạn hán, thiếu nước ngọt, sạt lở bờ đê và tình trạng XNM diễn ra với mức độ ngày càng cao và lan rộng. Việc phân vùng sinh thái của khu vực là một giải pháp ứng phó với vấn đề BĐKH (Nguyễn Hiếu Trung và ctv., 2012) bằng cách dựa trên đặc điểm vùng sinh thái nông nghiệp (STNN) để xây dựng nên những mô hình sản xuất chính mang đến hiệu quả cao. Điển hình là mô hình sản xuất 1 vụ lúa – 1 vụ tôm được đánh giá là mô hình thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần hạn chế rủi ro so với những mô hình khác (Viện Quản lý và Phát triển Châu Á, 2016). Tuy nhiên, mô hình này hiện đang gặp nhiều thử thách như đất trồng lúa bị nhiễm mặn do từ vụ tôm trước để lại nên không thể rửa mặn triệt để; hạ tầng thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên dễ bị XNM; thời tiết bất thường và tác động của BĐKH. Điều này lại càng nghiêm trọng hơn khi sản xuất lúa phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn nước ngọt.
.Ảnh minh họa: Internet
Bài viết trình bày các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ Đông Xuân tại vùng sinh thái nông nghiệp ven biển Tây ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nghiên cứu đã khảo sát 224 hộ nông dân với 295 thửa ruộng tại hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Đề tài sử dụng phương pháp hồi quy đa biến nhằm ước lượng các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ Đông Xuân năm 2017 – 2018 của nông hộ. Qua đó cho thấy, năng suất trồng lúa bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bao gồm: số lần bón phân, số lần xịt thuốc diệt cỏ, tình trạng canh tác, hệ thống thủy lợi, tình trạng xâm nhập mặn, phương pháp xuống giống, và phương pháp thu hoạch. Trong đó, số lần bón phân và số lần xịt thuốc diệt cỏ làm tăng năng suất lúa. Bên cạnh đó, mô hình độc canh lúa cho hiệu quả cao hơn mô hình xen canh lúa về năng suất. Thửa ruộng có hệ thống tưới tiêu cũng có năng suất cao hơn so với thửa ruộng sử dụng nước trời. Kết quả cũng cho thấy, thửa ruộng sử dụng phương pháp thu hoạch bằng cơ giới và phương pháp sạ trực tiếp cho năng suất cao hơn thửa ruộng sử dụng phương pháp thu hoạch khác. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy xâm nhập mặn có tác động tiêu cực đến năng suất lúa.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 55, Số 5D (2019): 99-108