Phân tích hiệu quả kinh tế của nông hộ trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Nghiên cứu do các tác giả Lê Cảnh Dũng, Võ Văn Tuấn, Nguyễn Thị Kim Thoa và Nguyễn Văn Sánh đang công tác tại Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa lớn nhất cả nước với diện tích canh tác khoảng 4,2 triệu ha (chiếm 54,5% diện tích trồng lúa của cả nước) và sản lượng đạt hơn 23,8 triệu tấn lúa vào năm 2016, đồng thời cung cấp hơn 90% lượng lúa xuất khẩu của cả nước (Tổng cục thống kê, 2017). Sản xuất và xuất khẩu lúa gạo là một trong những lĩnh vực kinh tế chính của vùng và là nguồn sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, ngành sản xuất lúa hiện đang đối mặt với những khó khăn từ hiệu quả canh tác chưa được tối ưu, nông dân chưa được hưởng lợi từ sự phát triển của ngành (Nguyễn Văn Bộ, 2016). Bên cạnh đó, sản xuất lúa đã và đang đối mặt với thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, cạnh tranh về đất đai với công nghiệp, đô thị hóa và giao thông, và những nguy cơ từ ô nhiễm môi trường. Về phân phối lợi nhuận trong chuỗi sản xuất, nông dân nhận được tỷ lệ thấp nhất trong chuỗi giá trị (Võ Thị Thanh Lộc và Nguyễn Phú Son, 2011).
Ảnh minh họa: Internet
Hiệu quả kinh tế của nông hộ trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá bằng hàm lợi nhuận biên Cobb-Douglas kết hợp với hàm phi hiệu quả theo phương pháp ước lượng một bước. Dữ liệu từ 470 nông hộ trồng lúa được phân tích bằng phần mềm Frontier 4.1. Kết quả ước lượng chỉ ra rằng, hiệu quả kinh tế ở vụ Hè Thu 2017 và Đông Xuân 2017-2018 đạt ở mức khá lần lượt là 77,9% và 82,8% . Giá lúa giống (vụ Hè Thu), giá phân bón (vụ Đông Xuân) và chi phí thuốc nông dược trong cả hai mùa vụ tác động làm giảm lợi nhuận. Các yếu tố về đặc điểm hộ có ý nghĩa đến lợi nhuận gồm: tuổi, kinh nghiệm, trình độ học vấn của người quản lý hộ, mức độ tham gia tập huấn, số lao động gia đình tham gia sản xuất lúa. Bên cạnh đó, đối tượng thu mua lúa, hình thức thanh toán tiền vật tư nông nghiệp và nhóm giống lúa gieo sạ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Để gia tăng hiệu quả kinh tế sản xuất lúa ở ĐBSCL, việc sử dụng hợp lý các yếu tố đầu vào tương ứng với giá cả thị trường, lựa chọn hợp lý kênh phân phối sản phẩm đầu ra phù hợp và cải thiện đặc điểm kinh tế - xã hội của nông hộ cần được chú trọng.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 55, Số 5D (2019): 73-81