Ảnh hưởng của dịch trích lá và rễ cây tràm ta lên tuyến trùng Meloidogyne spp, gây bướu rễ, nấm Phytophthora spp và Fusarium spp Gây hại trên cây hồ tiêu trong điều kiện phòng thí nghiệm
Nhóm tác giả Lê Hoàng Xuyên, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Nhật Trường, Lưu Hoàng Hội thuộc khoa Nông nghiệp Thủy sản, trường đại học Trà Vinh thực hiện đề tài “Ảnh hưởng của dịch trích lá và rễ cây tràm ta lên tuyến trùng Meloidogyne spp, gây bướu rễ, nấm Phytophthora spp và Fusarium spp Gây hại trên cây hồ tiêu trong điều kiện phòng thí nghiệm”.
Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá sự ảnh hưởng của các loại dịch trích từ lá (khô và tươi) và rễ tràm lên một số đối tượng gây hại trên tiêu như tuyến trùng Meloidogyne spp., Phytophthora spp. và Fusarium spp. được phân lập từ các vườn hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các dịch trích đều làm tăng tỉ lệ gây chết tuyến trùng gây hại trên tiêu đến 100%, trong khi tỉ lệ chết tự nhiên (đối chứng) chỉ đạt khoảng 58% ở ba ngày sau thả, trong đó, dịch trích từ lá tràm tươi là có hiệu quả gây chết nhanh nhất. Tuy nhiên, dịch trích từ lá tươi và rễ tràm đều không có hiệu quả đến sự phát triển của tất cả 11 chủng nấm Fusarium spp. và 05 chủng nấm Phythophthora spp. được thử nghiệm ba ngày sau cấy. Kết quả cũng cho thấy dịch trích lá tràm khô có hạn chế sự phát triển của 02 chủng (18%), tăng sự phát triển của 08 chủng (73%) và không có hiệu quả đối với 01 chủng (9%) Fusarium spp., và hoàn toàn không có hiệu quả lên tất cả 05 chủng nấm Phythophthora spp.
Nghiên cứu ảnh hưởng của dịch trích lá và rễ tràm lên các đối tượng gây bệnh hại nêu trên, nhất là tuyến trùng, trong điều kiện nhà lưới và ngoài đồng là cần thiết cũng như xác định thành phần hoạt chất chính làm tăng tỉ lệ chết của tuyến trùng và mở rộng các chủng tuyến trùng gây hại trên các loại cây trồng khác.
Tạp chí Khoa học Đại học Trà Vinh số 34 (tdkhiem)