Ảnh hưởng của điều kiện ánh sáng và thời gian sinh trưởng lên hàm lượng một số hợp chất trong cây mã đề (plantago major)
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Văn Ây, Nguyễn Thị Quới Trâm, Đỗ Tấn Khang và Trần Thanh Mến đang công tác tại Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ và Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Cây mã đề (Plantago major L.) là loại cây mọc tự nhiên nhưng được trồng phổ biến ở nhiều nơi của nước ta và trên thế giới. Đây là một cây dược liệu có nhiều tác dụng dược lý như: lợi tiểu, chữa ho, kháng sinh, chữa lỵ cấp và mãn tính, làm hưng phấn thần kinh, làm lành vết thương, chống viêm, giảm đau, chống oxy hoá, chống loét... Ngoài ra, mã đề lại ít độc với cơ thể sinh vật. Cây mã đề có tác dụng chữa bệnh là do có chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học như dẫn xuất của caffeic acid, flavonoid, iridoid glycosid, alkaloid, terpenoid và các acid hữu cơ (Rice-Evans et al., 1996; Bohm et al., 1998).
Ảnh minh họa: Internet
Các yếu tố môi trường sống và thời gian sinh trưởng có tác động rất lớn lên quá trình hình thành các hợp chất trong cây. Khảo sát ảnh hưởng của điều kiện ánh sáng và thời gian sinh trưởng lên hàm lượng một số hợp chất trong cây mã đề (Plantago major L.) đã được thực hiện. Kết quả cho thấy: (i) Có sự hiện diện của các hợp chất flavonoid, alkaloid, phenolic, tanin, coumarine, terpenoid, saponin và glycoside trong cây mã đề khi định tính bằng các phản ứng màu đặc trưng; (ii) Thời gian sinh trưởng và cường độ ánh sáng có ảnh hưởng lớn đến hàm lượng các hợp chất trong cây mã đề. Trong đó, cây 4 tháng tuổi có hàm lượng phenolic, tanin và flavonoid tổng (lần lượt là 6,58, 9,03 và 5,98 mg/g TLK) cao hơn ở cây 6 tháng tuổi (lần lượt là 2,88, 2,79 và 4,98 mg/g TLK). Cây mã đề trồng ở điều kiện ánh sáng 75% có hàm lượng các hợp chất phenolic, tanin và flavonoid tổng (lần lượt là 7,92, 4,25 và 6,74 mg/g TLK) cao nhất so với các nghiệm thức còn lại. Ngoài ra, kết quả cũng cho thấy có sự tương tác giữa điều kiện ánh sáng và thời gian trồng lên hàm lượng các hoạt chất này.
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 55, Số 5A (2019): 66-73