10 sự kiện KH&CN trong nước nổi bật của năm
Một số sự kiện đáng chú ý trong danh sách 10 sự kiện tiêu biểu năm qua bao gồm việc đưa Ngày hội khởi nghiệp Techfest ra quốc tế, phóng thành công vệ tinh MicroDragon và giải thưởng "gạo ngon nhất thế giới" dành cho một giống lúa Việt Nam.
Đại diện các đơn vị được trao kỷ niệm chương tại sự kiện. Ảnh: CLB Nhà báo Khoa học Việt Nam.
Tại Hà Nội chiều 26/12, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả bình chọn 10 sự kiện Khoa học và Công nghệ nổi bật năm 2019 trong nhiều lĩnh vực, từ cơ chế chính sách, hội nhập quốc tế, tôn vinh nhà khoa học đến khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nghiên cứu ứng dụng.
Trong lĩnh vực cơ chế chính sách, được bầu chọn có sự kiện ngày 27/09/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư”. Nghị quyết 52 nhận định tham gia CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan và nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trong lĩnh vực hội nhập quốc tế, nổi lên sự kiện Techfest Việt Nam được giới thiệu ra quốc tế. Lần đầu tiên, song song với các hoạt động trong nước (Techfest Quảng Ninh 12/2019) như 4 kỳ Techfest trước, năm nay Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức các kỳ Techfest quốc tế tại Hoa Kỳ (từ ngày 07 - 14/09); Hàn Quốc (từ ngày 03 - 09/11) và Singapore (từ ngày 10 - 14/11), để quảng bá các startup và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với thế giới.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường & Doanh nghiệp KH&CN – Bộ KH&CN chia sẻ tại lễ công bố: “Chúng ta không chỉ có đội tuyển bóng đá, mà chúng ta có cả đội tuyển về khởi nghiệp sáng tạo.” Trong đó, chương trình Techfest tổ chức tại thung lũng Silicon đã gây bất ngờ khi Việt Nam có đại diện thắng giải Start-up World Cup. “Đạt được kết quả ban đầu như vậy, chúng tôi nhận ra rằng, tiềm năng trong thế hệ trẻ Việt Nam gắn với đổi mới sáng tạo là rất lớn,” ông Quất nhận xét.
Trong lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học, có sự kiện GS.TS. Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán học) nhận Giải thưởng Ramanujan từ Trung tâm Quốc tế Vật lý Lý thuyết (ICTP) vào tháng 10/2019. Giải thưởng Ramanujan 2019 ghi nhận những đóng góp nổi bật của GS Hiệp trong lĩnh vực giải thích phức, cụ thể là lý thuyết đa thế vị. Anh đã đạt được một số kết quả quan trọng về điểm kỳ dị của các hàm đa điều hòa dưới; các phương trình Monge-Ampère phức và ngưỡng chính tắc có nhiều ứng dụng trong hình học Kähler phức và đại số. Giải thưởng cũng là sự công nhận những đóng góp của giáo sư cho sự tiến bộ của toán học tại Việt Nam.
Lĩnh vực khoa học xã hội ghi nhận sự kiện Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại” diễn ra tại Hà Nội ngày 15/02/2019. Do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội khoa học Lịch sử Việt Nam đồng tổ chức, đây là hội thảo quốc gia đầu tiên và quy mô nhất trong nhiều năm nay về cuộc chiến này của lịch sử, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học uy tín và cả các cựu quân nhân đã từng tham gia chiến đấu. Hội thảo sẽ là tiền đề quan trọng để tăng cường việc nghiên cứu về chủ đề này, phục vụ cho dự án Quốc sử đang được xây dựng và chương trình sách giáo khoa lịch sử mới.
Trong khi đó, việc thiết kế, chế tạo và phóng thành công vệ tinh MicroDragon (18/1/2019) được bình chọn là đại diện của lĩnh vực khoa học tự nhiên. Đây là một vệ tinh hoàn toàn do các nhà khoa học Việt Nam thiết kế, chế tạo, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tiến tới làm chủ công nghệ vệ tinh quan sát trái đất, viễn thông của Việt Nam, phục vụ thương mại.
Vệ tinh MicroDragon do các chuyên gia Việt Nam thực hiện việc nghiên cứu chức năng, thiết kế hệ thống; lựa chọn thiết bị, lắp đặt, lập trình… Nhiệm vụ của vệ tinh là chụp ảnh màu nước biển của vùng biển ven bờ của Việt Nam để đánh giá chất lượng, thành phần nước biển, phục vụ ngành đánh bắt thủy sản.
Năm sự kiện còn lại được bình chọn liên quan đến nghiên cứu ứng dụng, bao gồm:
- Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia: Ngày 12/03/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương... đã khai trương Trục liên thông văn bản Quốc gia (VDXP). VDXP được xây dựng với sự phối hợp của Văn phòng Chính phủ và Tập đoàn VNPT theo công nghệ phân tán ngang hành (peer-to-peer), thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là một bước cơ bản cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ, là tiền đề hình thành một “Chính phủ điện tử” không giấy tờ, nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho xã hội.
- Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam (10/5/2019): Sử dụng thiết bị của Ericsson, đây là lần đầu tiên Viettel thực hiện kết nối chính thức mạng di động 5G tại Việt Nam, đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới.
- Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ chính thức hoạt động (25/7/2019): Trung tâm giám định mới được khai trương tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh dấu bước nâng cao của năng lực kỹ thuật sử dụng thông tin ADN nhằm phân tích và xác định danh tích hài cốt liệt sĩ Việt Nam.
- Vắcxin cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S) chính thức lưu hành từ tháng 1/2019: Đây là vắc-xin cúm đầu tiên do Việt Nam tự sản xuất, có khả năng ngăn ngừa ba chủng vi-rút cúm thông thường gồm A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B. Được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp Quốc gia đánh giá đạt yêu cầu an toàn và tính sinh miễn dịch vào tháng 05/2018 (tương đương với vắc-xin sản xuất ở Châu Âu), vắc-xin IVACFLU-S đang được sản xuất với công suất khoảng 1,5 triệu liều/năm.
- ST25 trở thành “gạo ngon nhất thế giới”: Tại Hội nghị Gạo Thế giới lần thứ 11 tổ chức tại Philippines (từ ngày 10-13/11/2019), giống gạo ST25 là “gạo ngon nhất thế giới năm 2019.” ST25 được lai tạo và phát triển bởi nhóm các nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng gồm Anh hùng lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua, tiến sĩ Trần Tấn Phương, kỹ sư Nguyễn Thu Hương – với các đặc tính vượt trội: hạt dài, trắng, trong, khi nấu cho cơm dẻo, ráo có mùi dứa. Lúa ST25 có thể trồng từ 2-3 vụ một năm, có khả năng phòng bệnh, kháng mặn.
Tại lễ công bố 10 sự kiện, kỹ sư Hồ Quang Cua tự hào chia sẻ: “Chúng ta nói người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý vọng ngoại, chuộng hàng nước ngoài, thích tìm gạo Miên gạo Thái để ăn,” thế nhưng sự quan tâm bất ngờ của ST25 sau giải thưởng này đã “đánh động ý thức ‘Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam’.”
Nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua đang chờ được Bộ NN&PTNT công nhận giống lúa mới và tiếp tục tìm kiếm phương cách bảo toàn chất lượng cho giống, vốn (với giống ngắn ngày) thường chỉ kéo dài không quá 3 năm.
Danh sách 10 sự kiện KHCN nổi bật năm 2019
Lĩnh vực cơ chế chính sách
1/ Ban hành Nghị quyết số 52 về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Lĩnh vực Khoa học Xã hội
2/ Hội thảo khoa học quốc gia “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc-40 năm nhìn lại”
Lĩnh vực Khoa học Tự nhiên
3/ Thiết kế, chế tạo, phóng thành công vệ tinh MicroDragon
Lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng
4/ Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia
5/ ST25 được vinh danh “gạo ngon nhất thế giới”
6/ Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam
7/ Trung tâm Giám định ADN hài cốt liệt sĩ chính thức hoạt động
8/ Vắcxin cúm mùa tam giá dạng mảnh bất hoạt (IVACFLU-S) chính thức được lưu hành từ tháng 1/2019
Lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học
9/ Giáo sư Phạm Hoàng Hiệp nhận Giải thưởng Ramanujan
Hợp tác quốc tế
10/ Lần đầu tiên Techfest Việt Nam được giới thiệu ra quốc tế.
Tuấn Quang
http://khoahocphattrien.vn (ctngoc)