Xoài Cao Lãnh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Xoài Cao Lãnh từ lâu đã là một thương hiệu quen thuộc, uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Xoài Cao Lãnh nổi tiếng bởi xoài cát chu và xoài cát. Sự nổi tiếng này càng được khẳng định khi mới đây Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00078 cho sản phẩm xoài Cao Lãnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Xoài cát chu (tên khoa học là Mangifera indica L) là giống xoài truyền thống tại Đồng Tháp từ bao đời nay. Tương truyền vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn Ánh khi lánh nạn cùng đoàn phi tần, cung nữ của mình tại đất Nha Mân (nay thuộc xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) rất thích dùng loại xoài này. Do đó, giống xoài cát chu Cao Lãnh được tôn xưng là xoài ngự “tốt mã”, thơm, ngon. Quả xoài cát chu Cao Lãnh ngắn, tròn mình, hơi chu ra ở phần đuôi quả. Theo các “lão nông tri điền”, sở dĩ có tên như vậy là vì đầu trái xoài, nơi có cuống thường “chu” ra như miệng người đang thổi lửa nhóm lò. Cũng có người cho rằng gọi là xoài cát chu vì màu thịt và vỏ trái khi chín hơi ửng đỏ (chu sa). Thịt quả xoài cát chu Cao Lãnh dày, độ chắc thịt cao, thịt quả mịn, hơi dai và ít xơ, vị quả ngọt dịu pha lẫn với vị hơi chua, mùi thơm dịu đặc trưng. Đặc điểm cảm quan của xoài cát chu Cao Lãnh được cụ thể qua các chỉ tiêu chất lượng như: chiều dài quả từ 105-135 mm, quả có đường kính 70-90 mm, trọng lượng quả 280-455 g, tỷ lệ thịt quả 75-85%, độ Brix 14-18%, độ axit 0,1-0,3%, tỷ lệ chất xơ 0,4-0,6%, hàm lượng axit ascorbic (vitamin C) 100-150 mg/kg.
So với xoài cát chu Cao Lãnh, quả xoài cát Cao Lãnh có hình dáng thuôn dài. Quả tròn mình, eo rốn rõ, đỉnh nhọn, bầu tròn gần cuống, vỏ quả mỏng và khi chín có màu vàng tươi, bề mặt vỏ phủ lớp phấn trắng mịn, có những đốm nhỏ li ti màu nâu, thịt quả khi chín có màu vàng tươi, thịt quả dày, độ chắc thịt cao, mịn, dẻo, ít nước, ít xơ, vị quả ngọt đậm, mùi thơm dịu đặc trưng.
Xoài cát trồng tại Cao Lãnh thực chất là giống xoài cát ở Hòa Lộc, Tiền Giang. Vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ XX, với vị trí địa lý tiếp giáp với huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, giống xoài cát ở Hòa Lộc được người nông dân Cao Lãnh mang về canh tác tại địa phương và ngày càng được nhân rộng. Xoài cát Cao Lãnh có chiều dài quả từ 120 đến 162 mm, đường kính quả 75-92 mm, vỏ quả dày 0,8-1,3 mm, quả có trọng lượng 365-580 g, tỷ lệ thịt quả 75-87%, độ Brix 17-22%, độ axit 0,02-0,4%, tỷ lệ chất xơ 0,5-0,7%, hàm lượng axit ascorbic 200-350 mg/kg.
Tính chất, chất lượng đặc thù của xoài Cao Lãnh nêu trên có được là do mối quan hệ giữa điều kiện địa lý tự nhiên và kỹ thuật canh tác của các nhà vườn tại Cao Lãnh. Xét về điều kiện địa lý tự nhiên, khu vực trồng xoài Cao Lãnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với tổng số giờ nắng trung bình năm là 2.398,6 giờ, nhiệt độ trung bình năm là 27,10C, độ ẩm không khí trung bình năm là 83%, địa hình tương đối bằng phẳng, dốc theo hướng tây bắc - đông nam, độ cao 1,0-1,4 m so với mực nước biển. Đặc điểm địa hình, khí hậu này rất thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây xoài, đồng thời còn tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ, giúp nhà vườn thu hoạch nhiều vụ trong năm.
Sản lượng xoài có sự tương quan chặt chẽ với lượng mưa. Theo mùa thuận (cây ra hoa tự nhiên), cây sẽ bắt đầu ra hoa từ tháng 1-2 và thời gian này để đảm bảo tỷ lệ ra hoa và đậu trái cao, hàm lượng các chất sinh hóa trong trái xoài giữ được tối đa, cây xoài cần một lượng mưa và độ ẩm không khí thấp để tăng sức sống hạt phấn, hạn chế các loại sâu hại và nấm bệnh. Giai đoạn này lại trùng với mùa khô ở Cao Lãnh với lượng mưa chỉ chiếm hơn 10% lượng mưa cả năm, độ ẩm không khí trung bình tháng 1 là 82%, tháng 2 là 81% và thấp nhất vào tháng 3 là 79%. Từ tháng 5-11, cây xoài cần nhiều nước cho quá trình tích lũy dịch quả, đường, axit và vitamin C thì ở Cao Lãnh cũng là mùa mưa, với lượng mưa chiếm gần 90% lượng mưa cả năm.
Cao Lãnh còn có hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt, nhiều ao, hồ lớn, đây cũng là điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc tưới tiêu. Đặc biệt, sự có mặt của sông Tiền, một con sông lớn của Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo cho khu vực địa lý một tiểu khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp với cây xoài.
Cây xoài tại Cao Lãnh được trồng chủ yếu trên nhóm đất phù sa, nhóm đất phèn, nhóm đất nhân tác. Đất trồng có hàm lượng kali tổng số cao, dao động từ 1,66 đến 2,92% (so với 0,94% của đất trồng xoài cát Hòa Lộc).
Bên cạnh những yếu tố tự nhiên phù hợp và đặc thù, kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác truyền thống của người dân địa phương cũng tạo nên tính chất đặc thù cho sản phẩm xoài Cao Lãnh. Vùng trồng xoài Cao Lãnh có địa hình thấp nên đất dễ bị ngập úng trong mùa mưa. Ngoài ra, do phân bố lượng mưa không đều trong năm nên đất dễ bị thiếu nước vào mùa khô. Vì vậy, khi thiết lập vườn xoài, việc đầu tiên mà các nhà vườn tại Cao Lãnh làm là tiến hành xẻ mương, lên liếp, thiết lập đê bao. Đây là kỹ thuật canh tác truyền thống của người dân tại Cao Lãnh. Kỹ thuật này sẽ giúp nâng cao tầng đất mặt, tránh ngập úng, ngăn mặn và giữ nước ngọt trong mùa nắng, từ đó hạn chế được tối đa những hạn chế về mặt điều kiện địa lý tự nhiên. Trải qua quá trình canh tác, người dân Cao Lãnh đã đúc kết được những kinh nghiệm để tạo nên những trái xoài được người tiêu dùng lựa chọn như sử dụng giống xoài cát chu và xoài cát được nhân giống vô tính bằng tháp mắt, nhân giống vô tính bằng tháp đọt cây vì với những cây giống này, xoài sẽ màu cho trái (2-2,5 năm) và sẽ giữ được đặc tính tốt của cây mẹ.
Cũng bằng kinh nghiệm canh tác, ngoài vụ thuận, người dân Cao Lãnh có thể điều tiết được sản lượng xoài cung ứng trong năm nhờ kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ. Với vườn xoài trong giai đoạn cho trái ổn định, ngoài vụ thuận, tùy thuộc dự báo nhu cầu của thị trường mà các nhà vườn tại Cao Lãnh sẽ chọn một thời điểm để một số cây xoài ra hoa trái vụ. Cụ thể là, trong 1 vườn xoài, người làm vườn sẽ xử lý để một số cây ra hoa từ tháng 5 đến 6 (vụ muộn), một số cây ra hoa từ tháng 7 đến 9 (vụ nghịch), một số cây ra hoa từ tháng 11 đến 12 (vụ sớm). Người dân Cao Lãnh còn rất chú trọng trong việc bón đủ phân trong suốt quá trình cây sinh trưởng và phát triển.
Với danh tiếng của mình, xoài Cao Lãnh được xuất khẩu sang nhiều nước. Những trái xoài cát Cao Lãnh không chỉ có chất lượng tốt mà cảm quan bên ngoài của trái rất đẹp. Lý do là người dân Cao Lãnh đã tiến hành bao trái khi trái còn nhỏ (khoảng 30-35 ngày sau đậu trái), giúp cải thiện màu sắc vỏ trái, làm tăng độ sáng màu của vỏ trái, tạo sự bóng đẹp, giảm chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm ảnh hưởng dư lượng hóa chất trên trái.
Xoài Cao Lãnh chỉ được thu hoạch khi trái xoài đã thành thục sinh lý nhưng chưa chín. Sau khi đậu trái 85-90 ngày tiến hành thu hoạch xoài cát chu, 90-95 ngày tiến hành thu hoạch xoài cát. Thu hoạch khi trái có tỷ trọng 1,00-1,02, hột xoài cứng. Việc thu hoạch đúng độ chín già sẽ quyết định lớn đến chất lượng của quả xoài Cao Lãnh. Những trái có tỷ trọng lớn hơn 1,02 (trái chìm trong nước) có hương thơm tương tự như nhóm trái có tỷ trọng từ 1,00 đến 1,02 nhưng thịt trái mềm, phần thịt gần hạt trong suốt, nhiều xơ, chua và có màu vàng sậm nên không được người tiêu dùng ưa thích. Ngược lại, trái có tỷ trọng 0,95-0,99 (trái nổi lên mặt nước) có phẩm chất kém, vỏ trái nhăn và rất chua do trái chưa tích lũy đủ dưỡng chất để bước vào giai đoạn trưởng thành về mặt sinh lý nên tiến trình chín xảy ra không hoàn toàn. Khi trái xoài đã đạt đến độ thu hoạch, người dân sẽ tiến hành thu hoạch trái. Trái sau khi thu hoạch sẽ được phân loại trái sơ bộ tại vườn, làm sạch vỏ trái, phân loại trái tại cơ sở thu mua, xử lý diệt mầm bệnh, đóng gói, vận chuyển và bảo quản.
Theo Quyết định số 5849/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ, khu vực được bảo hộ địa lý gồm: xã Hòa An, Tân Thuận Đông, Tịnh Thới, Tân Thuận Tây, Mỹ Trà, Mỹ Tân, Mỹ Ngãi, phường 6 và 11 thuộc TP Cao Lãnh; xã Mỹ Xương, Mỹ Hội, Bình Hàng Trung, Bình Hàng Tây, Mỹ Long, Mỹ Hiệp, Bình Thạnh, An Bình, Mỹ Thọ và thị trấn Mỹ Thọ thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.